NHỮNG ĐIỀU GIẢI THÍCH CHUNG
VỀ CÁCH TRÌNH BÀY DANH BẠ

anh bạ các nguồn NKNN Việt Nam được thành lập trên cơ sở tài liệu thực tế tích luỹ được trong 2/3 thế kỷ qua, chủ yếu là từ những năm 60 đến nay. Từ con số thống kê đến thời điểm giữa năm 1998 gần 400 nguồn trong toàn quốc, các tác giả đã chọn lọc được 287 nguồn để đưa vào danh bạ (Phụ lục 1).

Khái niệm "nguồn" ở đây được hiểu là nơi có biểu hiện NKNN. Một nguồn có thể xuất lộ lên mặt đất dưới dạng mạch đơn hay nhóm, hoặc được phát hiện bởi các công rình khoan đào (lỗ khoan, giếng) đơn hay cụm. Nhóm mạch hay cụm lỗ khoan (giếng) ở đây là một số điểm lộ tự nhiên hay một số công trình khoan đào phân bố trên một phạm vi hẹp, trong đó NKNN có các đặc tính lý - hoá đồng nhất hoặc gần gũi nhau, xét ra có chung nguồn gốc và điều kiện thành tạo*. Theo cách định nghĩa "nguồn" như vậy, trong số 287 nguồn được chọn đưa vào danh bạ có 154 mạch lộ, 100 lỗ khoan và giếng và 33 nguồn vừa lộ thành mạch, vừa được phát hiện trong lỗ khoan.

Các nguồn được đánh số thống nhất trong toàn quốc từ 1 đến 287 và đưa lên bản đồ theo từng tỉnh (các tỉnh được ghép theo miền địa lý). Trong phạm vi mỗi tỉnh các nguồn được sắp xếp theo huyện và đánh số theo thứ tự từ bắc vào nam, từ tây sang đông trừ một số trường hợp cá biệt, khi các nguồn nằm gần nhau trên cùng một tuyến khảo sát thì đánh số và mô tả theo thứ tự từ gần đến xa so với xuất phát điểm của lộ trình. Mỗi nguồn được mô tả theo trình tự và nội dung như sau:

1. Tên nguồn. Được gọi theo nguyên tắc cố gắng giữ tên cũ dã thông dụng trong các văn liệu đã công bố hoặc đã định danh trên các bản đồ địa chất, ĐCTV trước đây (thường gọi theo tên thôn, ấp, làng, bản, mường, buôn, xã, thị trấn, thị xã). Tuy nhiên có một số nguồn đã được đăng ký từ mấy chục năm về trước nay địa danh đã thay đổi (do sáp nhập hay phân chia, đổi tên các đơn vị hành chính...) nên tên nguồn phải thay đổi cho phù hợp, trừ trường hợp chưa biết rõ địa danh mới thì buộc phải tạm giữ tên cũ, chờ kiểm tra sẽ chính xác hoá. Cũng có một số nguồn trước đây đặt tên theo huyện thì nay đổi tên theo thôn xã. Ví dụ các nguồn Tiên Lãng, Mộ Đức, Ninh Hoà, Đak Mil... nay đổi lại tương ứng là: Pháp Xuyên, Thạch Trụ, Trường Xuân, Đak Mol v.v... Đối với những nguồn được đổi tên như vậy thì sau tên mới có kèm theo tên cũ (ghi trong ngoặc) để tiện đối chiếu. Đối với những nguồn là lỗ khoan, trước đây chỉ ghi số hiệu lỗ khoan thì nay đặt tên theo địa danh, có kèm theo số hiệu lỗ khoan (trong ngoặc).

Một số nguồn ở các vùng thuộc miền núi Tây Bắc, Tây Nguyên được gọi theo tiếng dân tộc địa phương với cách viết khác nhau, có khi dùng cả tiếng dân tộc và tiếng Việt. Trong trường hợp đó, sau tên chính cũng chua thêm hoặc giải thích về các cách gọi khác nhau.

Về chính tả địa danh chúng tôi dựa theo cách viết trong quyển "Danh mục các đơn vị hành chính Việt Nam" của Nhà xuất bản thống kê, 1993. Ví dụ không viết Đaklak, Kontum, Plây Cu, Lào Kai, mà viết: Đắc Lắc, Kon Tum, Plei Ku, Lào Cai...

2. Vị trí. Nêu địa chỉ làng (thôn, bản, buôn...), xã, huyện. Trong trường hợp có thể thì hướng dẫn cách đi tới nguồn nước. Chúng tôi cố gắng vạch đường đi mới nhất, nhưng cũng có nhiều trường hợp chỉ chép theo nhật ký địa chất cũ cách đây vài ba chục năm nên nay có thể đã thay đổi.

Toạ độ địa lý của nguồn nước ghi theo hệ thống chiếu Gaus. Do vị trí lãnh thổ nước ta nằm hoàn toàn ở bắc bán cầu và phía đông kinh tuyến gốc nên con số vĩ độ (j ) và kinh độ (l ) ở đây được hiểu là vĩ độ bắc và kinh độ đông. Trong nhiều trường hợp chúng chỉ có ý nghĩa dịnh hướng, giúp dò tìm trên bẳn đồ, chưa phải là số liệu đo đạc chuẩn xác.

3. Dạng xuất lộ. Chỉ rõ nguồn nước lộ thành mạch lên mặt đất hay được phát hiện trong lỗ khoan (giếng) cùng những số liệu về lưu lượng, nhiệt độ, mùi vị của nước, biểu hiện khí, vật chất lắng tụ... Nếu lỗ khoan xuyên qua nhiều tầng chứa nước thì ghi NKNN xuất hiện trong tầng (hoặc các tầng) chứa nước nào... Những số liệu này đối với một số nguồn có thể đến nay đã thay đổi.

4. Lịch sử. Nêu tên người hay đơn vị đã phát hiện hoặc đã đến khảo sát, điểm qua quá trình điều tra và mức độ nghiên cứu nguồn nước. Đây là một khó khăn lớn của các tác giả vì chỉ có những nguồn do các nhà địa chất Pháp nghiên cứu trước đây là có văn liệu công bố chính thức, ghi rõ người đã phát hiện hoặc đến khảo sát. Còn những nguồn do các đơn vị địa chất của ta nghiên cứu thì phần lớn chỉ được ghi chép tản mạn trong các nhật ký địa chất, báo cáo lưu trữ, không công bố. Hơn nữa một nguồn thường được rất nhiều đơn vị, cá nhân đến khảo sát vào những thời điểm khác nhau mà chúng tôi không có điều kiện xác minh ai là người đã phát hiện và những đơn vị nào đã đến nghiên cứu, nên ở đây chúng tôi chỉ ghi một số đơn vị mà chúng tôi đã biết hoặc đã sử dụng tài liệu khi lập danh bạ. Đây là một khiếm khuyết khó khắc phục, mong các nhà địa chất đã có công phát hiện và có những đóng góp vào việc nghiên cứu từ trước thông cảm.

5. Tính chất lý hoá. Nêu những số liệu về tính chất vật lý và kết quả phân tích thành phần hóa học của nguồn nước. Mỗi nguồn nước có thể có 1 hoặc nhiều mẫu phân tích. Trong trường hợp có nhiều mẫu thì chúng tôi chọn tối đa 3 mẫu có số liệu đáng tin cậy nhất, được phân tích bởi những phòng thí nghiệm khác nhau, vào những thời điểm khác nhau để giúp theo dõi sự biến đổi của nguồn nước theo thời gian.

Các số liệu được sử dụng phần lớn được chọn từ kết quả phân tích của những phòng thí nghiệm có uy tín như Đại học Dược khoa Hà Nội, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, các Viện Pasteur Sài Gòn, Hà Nội, Nha Trang, phòng thí nghiệm Viện Dầu khí, Viện Khoa học Việt Nam, các Liên đoàn ĐCTV, Đại học Mỏ - địa chất, Sở Địa chất Tiệp Khắc cũ, Công ty KRTA New Zealand... Tuy nhiên cũng có trường hợp do thiếu tài liệu, chúng tôi phải sử dụng những kết quả phân tích thực địa đơn giản, có độ tin cậy thấp.

Một điểm yếu chung là nhiều mẫu phân tích không toàn diện, thiếu đồng bộ, nhất là thành phần khí, các hợp chất và vi nguyên tố đặc hiệu, độ phóng xạ.

6. Kiểu hoá học của nước. Được gọi theo công thức Kurlov với những ion chiếm từ 20% mge trở lên.

7. Xếp loại NK. Căn cứ vào những chỉ tiêu định danh và tiêu chuẩn phân loại nêu trong bảng 1 để xếp nguồn nước vào 1 loại (NK carbonic, NK silic... ) hoặc hỗn hợp nhiều loại (NK silic - fluor, NK brom -iođ -bor...). Với số liệu phân tích hiện có, một nguồn nước được xếp vào loại "không có thành phần đặc hiệu" (nước khoáng hóa) nhưng nay mai, khi trình độ phân tích chính xác hơn, giúp phát hiện những hợp phần mới thì có thể trở thành NK có thành phần đặc hiệu theo một chỉ tiêu nào đó. Cho nên việc phân loại ở đây còn mang tính chất tương đối.

8. Tình trạng sử dụng. Đối với những nguồn NK đã hoặc đang được khai thác sử dụng thì trình bày quá trình, quy mô khai thác và mục đích sử dụng (chữa bệnh, đóng chai, du lịch ...). Chúng tôi cố gắng cập nhật những thông tin mới nhất, nhưng có nhiều trường hợp do không có điều kiện tổ chức việc điều tra thực địa mà chỉ sử dụng những tài liệu cũ nên đến nay có thể đã thay đổi.

Xin lưu ý là ở đây chúng tôi chỉ nêu lên tình trạng sử dụng thực tế mà không có ý đánh giá ý nghĩa sử dụng của nguồn nước, vì theo quy định, việc xác nhận giá trị sử dụng của một nguồn NK cụ thể (nhất là đối với loại NK chữa bệnh và đóng chai) phải do các cơ quan chức năng và có thẩm quyền thực hiện trên cơ sở tài liệu điều tra chuyên môn đầy đủ, đáng tin cậy nhất .

Ngoài 287 nguồn được mô tả, còn có những nguồn mới có một vài thông tin rời rạc chưa đủ cơ sở đưa vào danh bạ. Loại này rất nhiều nhưng chúng tôi chỉ chọn ra một ít nguồn và xếp sau các nguồn chính thức của từng tỉnh nhằm gợi ý cho việc điều tra sau này.

Trong phạm vi một công trình tổng kiểm kê một dạng tài nguyên thiên nhiên của đất nước, quyển sách chỉ có thể nêu lên những thông tin khái quát nhất về các nguồn NKNN trong toàn quốc. Những số liệu chi tiết về từng nguồn như địa tầng lỗ khoan, kết quả bơm nước thí nghiệm, tính toán thông số ĐCTV, trữ lượng khai thác của mỏ... các cơ quan, đơn vị hoặc cá nhân nếu có nhu cầu xin liên hệ với Cục Địa chất và khoáng sản Việt Nam - 6 Phạm Ngũ Lão, Hà Nội, hoặc với các Liên đoàn ĐCTV - ĐCCT theo các địa chỉ sau:

- Liên đoàn ĐCTV - ĐCCT miền Bắc, phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy, Hà Nội.

- Liên đoàn ĐCTV - ĐCCT miền Trung, đường 2/4, phường Vĩnh Hải, thành phố Nha Trang.

- Liên đoàn ĐCTV - ĐCCT miền Nam, xã Bình An, quận 2, thành phố Hồ Chí Minh.