HIỆN TRẠNG Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG NƯỚC BIỂN VEN BỜ Ở CỬA SÔNG HỒNG TẠI THÁI BÌNH VÀ NAM ĐỊNH

ĐOÀN THỊ THU TRÀ, PHAN TRỌNG TRỊNH, NGUYỄN TRUNG MINH

Viện Địa chất, Viện Khoa học và Công nghệ VN, ngõ 84, phố Chùa Láng , Hà Nội

Tóm tắt: Vùng dải ven bờ cửa sông Hồng tại Thái Bình và Nam Định là một vùng biến động nhanh. Đây là nơi có sự giao thoa tương tác rất mạnh giữa động lực dòng sông và biển. Vùng cửa sông ven biển là nơi rất thuận lợi cho việc phát triển một số ngành kinh tế, thu hút lượng dân sinh sống cao hơn các vùng phụ cận. Việc phát triển kinh tế biển giúp cải thiện kinh tế hộ gia đình một cách rõ rệt, làm thay đổi bộ mặt nông thôn, tuy nhiên phát triển kinh tế một cách ồ ạt không có quy hoạch kéo theo rất nhiều vấn nạn về môi trường, làm biến đổi sâu sắc các thành phần và các yếu tố môi trường khu vực. Các kết quả phân tích mẫu nước biển ven bờ của chúng tôi tại đây cho thấy, hiện nay nước biển ven bờ ở khu vực nghiên cứu đang bị ô nhiễm bởi các kim loại nặng độc hại, đó là As, Zn, Cu và Fe.


I. MỞ ĐẦU

Sông Hồng là một con sông lớn ở nước ta bắt nguồn từ dãy núi Ngụy Sơn tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), chảy qua các tỉnh miền Bắc Việt Nam rồi đổ ra biển Đông. Sông Hồng có tổng chiều dài là 1149 km, trong đó chiều dài của đoạn chảy qua Việt Nam là 510 km. Khi chảy qua các vùng lãnh thổ, dòng sông mang theo các vật chất do xói mòn và chất thải của tất cả những nơi mà nó đi qua, rồi đổ ra biển Đông tại các vùng cửa sông. Sông Hồng mỗi năm thải ra biển khoảng 2817 tấn đồng, 730 tấn chì, 118 tấn cadmi, 2015 tấn kẽm, 448 tấn arsen, 142 tấn nickel, 11 tấn thủy ngân, 14860 tấn NO3 và 24.602 tấn PO4-3 [1].

Dải ven bờ cửa sông Hồng tại vùng Thái Bình - Nam Định thuộc phần đông nam của đồng bằng châu thổ Sông Hồng, nằm trong vùng chịu ảnh hưởng trực tiếp của vùng tam giác tăng trưởng kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, bao gồm các huyện Tiền Hải, Thái Thụy của tỉnh Thái Bình và Giao thủy, Nghĩa Hưng, Hải Hậu của tỉnh Nam Định, trong đó vùng ven biển tỉnh Nam Định có diện tích 712,72 km2, dân số 682.195 người (năm 2003) và chiều dài đường bờ biển là 72 km. Vùng ven biển Thái Bình có diện tích tự nhiên là 463 km2, dân số khoảng 468.200 người (năm 2003) và có chiều dài đường bờ biển là 50 km [2].

Trong thời gian gần đây, số liệu quan trắc của Trạm Môi trường đặt tại cửa Ba Lạt cho thấy có sự gia tăng hàm lượng các kim loại nặng độc hại trong nước biển. Tuy nhiên, trạm quan trắc này hàng năm chỉ lấy số liệu tại một điểm theo hai mùa, nên việc nghiên cứu theo diện rộng dọc theo cả dải ven biển vùng cửa sông Hồng từ Nam Định tới Thái Bình sẽ cung cấp cho chúng ta một cái nhìn tổng thể và chính xác hơn về hiện trạng cũng như xu thế biến động môi trường.

II. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Các phương pháp chính được chúng tôi sử dụng trong nghiên cứu của mình là các phương pháp lấy mẫu nước biển ngoài thực địa, phương pháp xác định nhanh ngoài thực địa các chỉ tiêu môi trường bằng các thiết bị cầm tay. Chúng tôi đã tiến hành lấy 36 mẫu nước biển dọc theo vùng nghiên cứu. Các mẫu được phân tích các chỉ tiêu kim lọai nặng bằng phương pháp ICP-MS tại Viện Địa chất - Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Sau khi có kết quả phân tích mẫu, chúng tôi đã sử dụng các phương pháp so sánh, thống kê … để xử lý số liệu.


Hình 1. Sơ đồ lấy mẫu ở dải ven bờ cửa sông Hồng tại Thái Bình và Nam Định.


III. HIỆN TRẠNG Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG NƯỚC BIỂN VEN BỜ Ở CỬA SÔNG HỒNG TẠI THÁI BÌNH VÀ NAM ĐỊNH

Những nghiên cứu trước đây của các nhà khoa học đã chỉ ra rằng, nước biển ven bờ ở Thái Bình và Nam Định đã bị ô nhiễm bởi dầu, thuốc bảo vệ thực vật gốc chlor, chất rắn lơ lửng, kim loại nặng và nhiều chỉ tiêu khác [1]. Tuy nhiên, trong khuôn khổ bài báo này, chúng tôi chỉ tập trung vào việc nghiên cứu hiện trạng ô nhiễm các kim loại nặng. 

Trong các mẫu nước biển chúng tôi lấy năm 2008, hàm lượng As nếu so với tiêu chuẩn của Việt Nam đối với nước biển ven bờ dùng cho mọi mục đích sử dụng vẫn còn thấp hơn giới hạn cho phép, nhưng nếu so sánh với giới hạn cho phép theo tiêu chuẩn Việt Nam đối với nước biển ven bờ dùng cho mục đích nuôi trồng thủy sản thì hàm lượng As trong các mẫu phần lớn vượt ngưỡng cho phép, có những mẫu hàm lượng As còn lớn gấp 3-4 lần tiêu chuẩn (Hình 2).


Hình 2. Đồ thị biểu diễn mức độ ô nhiễm As trong nước biển ven bờ ở cửa sông Hồng tại Thái Bình và Nam Định.


Đối với cadmi (Cd), chì (Pb), chrom (Cr), kết quả phân tích mẫu cho thấy hàm lượng của các nguyên tố này còn rất khả quan, thấp hơn nhiều so với giới hạn dùng cho nuôi trồng thủy sản và cho các mục đích sử dụng khác (Hình 3-5).


Hình 3. Đồ thị biểu diễn mức độ ô nhiễm Cd trong nước biển ven bờ ở cửa sông Hồng tại Thái Bình và Nam Định.

Hình 4. Đồ thị biểu diễn mức độ ô nhiễm Pb trong nước biển ven bờ ở cửa sông Hồng tại Thái Bình và Nam Định.

Hình 5. Đồ thị biểu diễn mức độ ô nhiễm Cr trong nước biển ven bờ ở cửa sông Hồng tại Thái Bình và Nam Định.


Các kết quả nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng, nước biển ven bờ của dải ven biển Thái Bình và Nam Định bị ô nhiễm nặng bởi nguyên tố kẽm. Trong các mẫu phân tích năm 2008 cũng cho thấy một bức tranh tương tự. Hàm lượng Zn trong hầu hết các mẫu đều vượt quá giới hạn cho phép đối với nước biển ven bờ dùng cho mục đích nuôi trồng thủy sản và các mục đích khác (Hình 6).


Hình 6. Đồ thị biểu diễn mức độ ô nhiễm Zn trong nước biển ven bờ ở cửa sông Hồng tại Thái Bình và Nam Định.


Hàm lượng đồng (Cu) trong nước biển nếu đem so sánh với giới hạn cho phép của tiêu chuẩn nước biển ven bờ của Việt Nam dùng cho các mục đích khác thì vẫn còn nằm trong giới hạn cho phép; nhưng nếu so sánh với giới hạn dành cho nuôi trồng thủy sản thì đại bộ phận hàm lượng Cu trong các mẫu đều vượt quá giới hạn cho phép (Hình 7).

Riêng đối với kim loại sắt, tất cả các mẫu đều vượt quá chỉ tiêu cho phép đối với nuôi trồng thuỷ sản rất nhiều lần (Hình 8).


Hình 7. Đồ thị biểu diễn mức độ ô nhiễm Cu trong nước biển ven bờ ở cửa sông Hồng tại Thái Bình và Nam Định


Hình 8. Đồ thị biểu diễn mức độ ô nhiễm Fe trong nước biển ven bờ ở cửa sông Hồng tại Thái Bình và Nam Định.


KẾT LUẬN

Như vậy, các kết quả phân tích mẫu cho thấy, hiện nay nước biển ven bờ ở cửa sông Hồng tại Thái Bình và Nam Định đang bị ô nhiễm khá nặng bởi các kim loại Fe, Cu, Zn, As. Đây là những nguyên tố có hại cho các loài động vật thủy sinh và rất độc cho con người khi ở hàm lượng vượt giá trị giới hạn cho phép.

Hàm lượng các kim loại  chì, thuỷ ngân, chrom, cadmi trong nước biển ở vùng nghiên cứu còn thấp hơn nhiều so với tiêu chuẩn cho phép đối với nuôi trồng thuỷ sản.

Hàng ngày chúng ta tiêu thụ một lượng lớn thức ăn từ các loài thủy sản, các kim loại này sẽ theo con đường thức ăn xâm nhập vào cơ thể chúng ta, gây ra nhiều bệnh nguy hiểm.

VĂN LIỆU

1. Bộ Tài nguyên và Môi trường, 2004. Hiện trạng môi trường biển.

2. Lê Thông, 2005. Địa lý các tỉnh và thành phố Việt Nam. Nxb Giáo dục, Hà Nội.