LIÊN ĐOÀN VẬT LÝ ĐỊA CHẤT
40 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN (1967-2007)

NGUYỄN TRẦN TÂN, QUÁCH VĂN THỰC

đoàn Vật lý Địa chất, Km 9, Thanh Xuân, Hà Nội


Cách đây 40 năm, tháng 10/1967, Cục Vật lý (tiền thân của Liên đoàn Vật lý Địa chất hiện nay) được thành lập trên cơ sở sát nhập Phòng Địa vật lý, Tổng cục Địa chất với Đoàn 55.

Khi đó Cục Vật lý là đơn vị trực thuộc Tổng cục Địa chất, vừa đảm nhận chức năng chỉ đạo kỹ thuật địa vật lý toàn ngành, vừa triển khai thực hiện một số nhiệm vụ điều tra địa chất, tìm kiếm khoáng sản bằng các phương pháp địa vật lý.

Năm 1977, Cục Vật lý được đổi tên thành Liên đoàn Vật lý Địa chất theo Quyết định số 27 QĐ-TC, ngày 23/02/1977 của Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất.

Từ năm 1990, Liên đoàn Vật lý Địa chất là đơn vị trực thuộc Cục Địa chất Việt Nam (sau này là Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam), hoạt động trong cơ cấu quản lý và tổ chức của Bộ Công nghiệp theo Quyết định số 893/QĐ-TCCB, ngày 20/06/1997 của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp.

Từ năm 2003, Liên đoàn Vật lý Địa chất là tổ chức trực thuộc Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, được quy định lại chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức theo Quyết định số 513/2003/QĐ-BTNMT, ngày 22/04/2003 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường. Theo quyết định này, Liên đoàn Vật lý Địa chất có chức năng nghiên cứu, điều tra địa vật lý khu vực phục vụ công tác điều tra địa chất và đánh giá khoáng sản trong phạm vi cả nước, đặc biệt là điều tra, đánh giá khoáng sản ở dưới sâu; xây dựng và tổ chức thực hiện các đề án điều tra địa vật lý khu vực theo vùng hoặc toàn lãnh thổ (bao gồm cả phần đất liền, hải đảo và biển Việt Nam). Trong cơ chế quản lý mới, Liên đoàn Vật lý Địa chất được giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính, về tổ chức bộ máy, biên chế và thực hiện nhiệm vụ, Liên đoàn đã mở rộng quan hệ hợp tác với các đơn vị trong và ngoài ngành, với các tổ chức nước ngoài, đưa phương pháp địa vật lý vào giải quyết các nhiệm vụ trong điều tra địa chất thuỷ văn, địa chất công trình, địa chất môi trường, địa chất đô thị, tai biến địa chất…

Trong 40 năm xây dựng và trưởng thành, vượt mọi khó khăn, được sự quan tâm của Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Liên đoàn Vật lý Địa chất đã đạt được những kết quả đáng kể, có những đóng góp xứng đáng trong công tác điều tra địa chất, khoáng sản nước ta. Góp phần xây dựng Liên đoàn Vật lý Địa chất vững mạnh trong những năm tháng qua là tập thể cán bộ, công nhân viên và các thế hệ cán bộ lão thành đi trước, trong đó có vai trò to lớn của các đồng chí Liên đoàn trưởng các thời kỳ như: KS. Nguyễn Thiện Giao, PGS-TSKH Tăng Mười, KS. Quách Kim Chữ.

Hiện tại cơ cấu tổ chức của Liên đoàn Vật lý Địa chất gồm:

* Ban lãnh đạo Liên đoàn:

- Liên đoàn trưởng: TS. Nguyễn Trần Tân

- Phó Liên đoàn trưởng: KS. Quách Văn Thực

* Bộ máy giúp việc Liên đoàn:

- Phòng Hành chính

- Phòng Kỹ thuật - Kế hoạch

- Phòng Kế toán - Thống kê

- Phòng Tổ chức - Lao động

* Các đơn vị trực thuộc:

- Đoàn Địa vật lý Máy bay (Sài Đồng Gia Lâm, Hà Nội)

- Đoàn Địa vật lý Mặt đất (Km 9, Nguyễn Trãi, Thanh Xuân Hà Nội)

- Đoàn Địa vật lý 79 (La Khê, Thành phố Hà Đông, Hà Tây)

- Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng Địa vật lý (Km 9 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội)

- Phòng Kiểm định máy Địa vật lý (Km 9, Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội)

- Đội Phục vụ.

Đội ngũ lao động Liên đoàn hiện có 195 người, trong đó có 4 tiến sĩ, 1 thạc sĩ và 117 kỹ sư các chuyên ngành được đào tạo có hệ thống, trình độ chuyên môn tốt, giàu kinh nghiệm thực tiễn, đủ năng lực tổ chức điều hành các công việc.

Hệ thống máy, thiết bị địa vật lý của Liên đoàn đã và đang được nâng cấp theo hướng đồng bộ hoá, hiện đại hoá, đáp ứng công nghệ số tiên tiến ngang tầm khu vực và thế giới. Hiện tại, Liên đoàn đã có những máy móc, thiết bị địa vật lý hiện đại như: máy Georada GPR-MALA (Thụy Điển), máy đo điện đa cực Elecpro IRIS VIP 3000 (Pháp), máy đo điện từ PROTEM-MK57 (Canađa), máy đo điện SYSCAL-R2 (Pháp), máy đo địa chấn đa kênh GEODE-24 Channels (Mỹ), máy đo địa chấn Terralog MARK-6 (Thụy Điển), máy đo phổ đa kênh 512 GF (ScheK), máy đo từ PROTON MINIMAG (Nga), trạm hiệu chuẩn máy địa vật lý đa năng Multicalibre 5025, máy định vị vệ tinh Pathfinder PRO-XL, GPS Trimble LS-4600, trạm máy địa vật lý hàng không Canađa với máy phổ gamma GAD-6, đầu dò bức xạ gamma GSA-44, máy từ proton MAP-4 , máy đo xạ đường bộ DKS-960, máy đo rađon RDA-200, máy đo hơi thuỷ ngân XG-4, XG-5, máy đo trọng lực Z400 (Trung Quốc), CG.5 (Canađa)…

Sau 40 năm hoạt động trong lĩnh vực điều tra địa chất và khoáng sản, Liên đoàn Vật lý Địa chất đã có nhiều kết quả điều tra, nghiên cứu mới có giá trị, đóng góp đáng kể trong nghiên cứu điều tra địa chất, đánh giá khoáng sản ở nước ta.

CÔNG TÁC ĐỊA VẬT LÝ HÀNG KHÔNG

Công tác địa vật lý hàng không được áp dụng vào hoạt động điều tra địa chất, tìm kiếm khoáng sản ở Việt Nam khá sớm. Năm 1961-1964 đã hoàn thành bay khảo sát từ hàng không tỷ lệ 1/200.000 toàn miền Bắc Việt Nam. Năm 1983-1992 đã hoàn thành bay khảo sát từ hàng không trên toàn miền Nam Việt Nam. Các số liệu bay đo từ hàng không đã được sử dụng để thành lập bản đồ trường từ hàng không Việt Nam tỷ lệ 1/500.000 (1995) và đã được biên tập, xuất bản ở tỷ lệ 1/1000.000 vào năm 1998. Các số liệu của bản đồ này có giá trị sử dụng không chỉ đối với điều tra địa chất, khoáng sản, môi trường, tai biến, mà còn cho nhiều mục đích khác như thông tin liên lạc, an ninh quốc phòng…

Từ năm 1982 đến nay, công tác bay đo tổ hợp địa vật lý từ-xạ phổ gamma đã được đưa vào phục vụ đo vẽ bản đồ địa chất và tìm kiếm khoáng sản tỷ lệ 1/25.000 và 1/50.000. Do hiệu quả hiển nhiên của phương pháp này trong đo vẽ bản đồ địa chất và tìm kiếm khoáng sản, nên công tác này đã thực sự được đy mạnh. Đến nay đã hoàn thành 16 đề án bay tỷ lệ 1/25.000 và 1/50.000 trên diện tích hơn 90.000 km2. Các tài liệu bay đo đã được xử lý đ thành lập các bản đồ trường địa vật lý (trường từ, trường xạ tổng gamma, trường hàm lượng các nguyên tố phóng xạ U, Th, K) và các bản đồ diễn giải địa chất, khoanh vùng triển vọng khoáng sản trên diện tích đã bay đo. Kỹ thuậtcông nghệ bay đo địa vật lý của Liên đoàn trong những năm qua đã được đổi mới. Trước năm 1989, số liệu địa vật lý được ghi theo công nghệ tương tự, dẫn đường bay được thực hiện bằng chụp ảnh và video, việc xử lý tài liệu và biểu diễn kết quả hoàn toàn bằng thủ công. Nhưng từ năm 1996 đến nay, mọi việc trong các công đoạn nêu trên đều được thực hiện bằng kỹ thuật số, phù hợp với công nghệ thế giới hiện nay.

Trong những năm qua, bằng phương pháp bay đo địa vật lý, Liên đoàn Vật lý Địa chất đã phát hiện được nhiều dị thường để chuyển tìm kiếm, thăm dò nhiều tụ khoáng quan trọng: sắt Thạch Khê (Hà Tĩnh), Nà Rụa (Cao Bằng), urani Khe Hoa - Khe Cao (Quảng Nam), fluorit Xuân Lãnh (Phú Yên); vàng (Sơn Hoà, Xã Lát, Xuân Sơn, Trà Bu, Sơ Tang…), magnesit Kong Queng (Gia Lai), sắt đồng-niken ở Thất Khê (Cao bằng), sắt chì-kẽm ở Thượng Giáp (Tuyên Quang) và hàng loạt các mỏ sa khoáng ilmenit ven bờ biển.

Hiện nay, việc xử lý lại bằng công nghệ mới các kết quả bay đo địa vật lý và các dạng tài liệu địa chất, khoáng sản khác trên các vùng đã bay đo trước đây đang được triển khai trên nhiều vùng khác nhau.

CÔNG TÁC ĐO VẼ TRỌNG LỰC

Từ những năm đầu thập kỷ 60 của thế kỷ trước, công tác đo vẽ trọng lực tỷ lệ 1/500.000 đã được tiến hành trên toàn lãnh thổ phía Bắc. Sau năm 1975, công tác đo vẽ trọng lực tỷ lệ 1/500.000 đã được tiến hành ở phía Nam và đến năm 1985 đã hoàn thành bản đồ trường trọng lực toàn quốc tỷ lệ 1/500.000. Ở đồng bằng Sông Hồng và Nam Bộ, đã đo vẽ trọng lực tỷ lệ 1/200.000 phục vụ tìm kiếm dầu khí. Trong những năm gần đây, công nghệ đo vẽ trọng lực đã được phát triển, với việc áp dụng công nghệ GPS trong việc xác định toạ độ, độ cao của điểm đo trọng lực, và đồng bộ với công nghệ tin học trong thu thập, xử lý phân tích tài liệu và biểu diễn kết quả…, nhờ đó chất lượng, độ chính xác và hiệu quả của phương pháp được nâng cao đáng kể. Công tác đo vẽ trọng lực tỷ lệ 1/50.000 và 1/100.000 ngày càng được áp dụng rộng rãi để phối hợp với các phương pháp địa vật lý khác, giải quyết có hiệu quả hơn các nhiệm vụ trong đo vẽ bản đồ địa chất và tìm kiếm khoáng sản như:

- Đánh giá, dự báo khoáng sản nội sinh liên quan với các dị thường địa vật lý bằng phương pháp nhận dạng.

- Phát hiện và phân loại các khối magma ẩn làm tiền đề tìm kiếm các loại khoáng sản có liên quan theo quy luật sinh khoáng.

- Phát hiện và xác định các tham số cấu trúc của các hệ thống đứt gãy, các tham số đặc trưng của các đới biến đổi liên quan với các loại hình khoáng sản khác nhau.

- Thành lập bản đồ địa chất theo quan điểm thạch vật lý trên cơ sở các tham số vật lý của đá và trường địa vật lý đặc trưng cho từng thành hệ địa chất.

CÔNG TÁC ĐỊA VẬT LÝ MẶT ĐẤT

Công tác địa vật lý mặt đất do Liên đoàn Vật lý Địa chất thực hiện chủ yếu là công tác kiểm tra sơ bộ và kiểm tra chi tiết các dị thường địa vật lý hàng không.

Từ năm 1985 đến nay, Liên đoàn Vật lý Địa chất đã kiểm tra chi tiết 23 cụm dị thường địa vật lý máy bay, làm sáng tỏ bản chất địa chất, khoáng sản của chúng; phát hiện, xác định nhiều cụm dị thường liên quan khoáng sản để điều tra, đánh giá, phát hiện mỏ mới của nhiều loại khoáng sản (kim loại màu, quý hiếm, phóng xạ, khoáng chất công nghiệp).

CÔNG TÁC ĐỊA VẬT LÝ BIỂN

Công tác khảo sát địa vật lý biển được tiến hành từ năm 1991 bằng đề án khảo sát thử nghiệm do CCOP tài trợ tại vùng biển nông Hàm Tân (Bình Thuận) trên diện tích 1200 km2 với 900 km tuyến khảo sát địa vật lý. Sau kết quả thử nghiệm này, từ năm 1993 khảo sát địa vật lý biển được đưa vào các đề án địa chất và khoáng sản biển của Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam.

Trong 5 năm (1993-1997) đã khảo sát trên diện tích 52000 km2 (16000 km tuyến địa vật lý) ở tỷ lệ 1/500.000 dọc bờ biển ở độ sâu từ 0-30 m nước, từ Móng Cái đến Đà Nẵng và từ Hà Tiên đến Cà Mau. Hệ phương pháp địa vật lý được áp dụng trong khảo sát địa vật lý biển nông gồm: đo địa chấn phản xạ liên tục độ phân giải cao, đo từ biển và đo sâu hồi âm. Tài liệu được ghi số đồng bộ cho phép đưa vào máy tính xử lý, phân tích dễ dàng, tự động bằng những chương trình chuyên dụng, đạt độ tin cậy cao.

Các tài liệu địa vật lý biển (địa chấn, từ, độ sâu đáy biển…) đã cung cấp những thông tin quý giá làm sáng tỏ cấu trúc trong trầm tích Đệ tứ, đặc điểm các lớp trầm tích chưa gắn kết trong Đệ tứ; sự phân bố các trầm tích Đệ tứ và magma, các hệ thống đứt gãy và các khu vực có khả năng tồn t¹i các bẫy sa khoáng. Những tài liệu này đã góp phần quan trọng trong công tác điều tra địa chất và tìm kiếm khoáng sản rắn vùng biển nông ven bờ nước ta.

Những năm gần đây, Liên đoàn Vật lý Địa chất đã nghiên cứu và thử nghiệm thành công đưa phương pháp địa chấn phản xạ phân giải cao vào đánh giá mức độ bồi lắng trầm tích các lòng sông, cảng biển, lòng hồ đập thuỷ điện…, do đó đã mở rộng đáng kể môi trường ứng dụng của các phương pháp địa vật lý.

NGHIÊN CỨU ĐỊA VẬT LÝ MÔI TRƯỜNG, ĐỊA CHẤT THUỶ VĂN, ĐỊA CHẤT CÔNG TRÌNH VÀ TAI BIẾN ĐỊA CHẤT

Từ năm 1992, ở Liên đoàn Vật lý Địa chất đã hình thành bộ phận chuyên ngành địa vật lý môi trường nhằm đáp ứng các yêu cầu điều tra nghiên cứu môi trường của đất nước trong quá trình xây dựng và phát triển. Trong một thời gian ngắn, Liên đoàn đã tiến hành điều tra địa vật lý môi trường cho hàng loạt các đô thị như: Đà Nẵng - Hội An (1992-1994), Điện Biên - Sơn La (1993-1994), Huế - Đông Hà - Đồng Hới (1995-1996), Vinh - Thanh Hoá (1995-1996), Buôn Ma Thuột - Pleiku (2001), Nha Trang - Cam Ranh - Phan Thiết (2006)…. Ngoài ra, Liên đoàn còn phối hợp với các đơn vị khác tiến hành điều tra địa vật lý môi trường ở Lào Cai - Yên Bái, Hà Nội - Hải Phòng, Tân An - Mỹ Tho - Bến Tre, Tây Ninh - Thủ Dầu Một, Trà Vinh - Vĩnh Long và trên một số đảo phía Bắc.

Các sản phẩm chủ yếu của công tác điều tra địa vật lý môi trường là các bản độ trường bức xạ tự nhiên môi trường (µR/h), bản đồ tổng suất liều chiếu tương đương (mRem/năm hoặc mSv/năm) cho từng vùng nghiên cứu, cho phép xác định tình trạng ô nhiễm bức xạ tự nhiên môi trường trên vùng khảo sát, để từ đó có những khuyến cáo về những biện pháp phòng tránh kịp thời bảo đảm an toàn cho dân cư và cho các hoạt động xã hội.

Ngoài nghiên cứu môi trường phóng xạ, Liên đoàn đã triển khai áp dụng tổ hợp các phương pháp: địa chấn khúc xạ, đo rađon khí đất, đo hơi thuỷ ngân khí đất, đo tổng hoạt độ alpha, đo gamma mặt đất… trong nghiên cứu, điều tra tai biến địa chất ở các vùng: Kon Tum, Ia Băng, Jave, Đắk Lắk, Nha Trang - Cam Ranh - Phan Thiết, Cam Đức, Cam Thịnh Đông…

Các tài liệu địa vật lý thu thập được cho phép xác định sự có mặt của các đứt gãy kiến tạo sâu trong đá gốc hoặc dưới lớp phủ Đệ tứ, gây nên sự bất ổn của các tầng đất đá nằm trên đó dẫn đến sụt lở, nứt đất ở các lớp trên   bề mặt; dự báo hoạt động của các đứt gãy và đưa ra các khuyến cáo cần thiết đối với các công trình xây dựng, dân sinh…để phòng ngừa tai biến.

Ngoài ra, Liên đoàn đã triển khai áp dụng rộng rãi tổ hợp các phương pháp địa vật lý trong các lĩnh vực địa chất thuỷ văn, địa chất công trình. Ứng dụng phương pháp địa vật lý để tìm kiếm nước dưới đất cho các đảo (Quan Lạn, Cái Lân, Cô Tô, Phú Quốc, Cát Bà, Ngọc Vừng…) và các vùng núi cao, các tỉnh biên giới (Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Yên Bái…). Ứng dụng các phương pháp địa vật lý khảo sát nền móng các công trình phục vụ xây dựng các nhà máy thuỷ điện, nhiệt điện, điện nguyên tử, các nhà máy xi măng, bãi lăn, bãi đỗ máy bay, hầm ngầm qua núi…

Liên đoàn cũng sử dụng thành công phương pháp dùng con thoi phóng xạ trong đường ống dẫn để chuyển tải các sản phẩm dầu, khí khác nhau; cân than trên băng chuyền bằng phương pháp hấp thụ phóng xạ, xác định tính chất các lớp của vật liệu xây dựng bằng phương pháp tán xạ và hấp thụ tia gamma…

Phạm vi áp dụng các phương pháp địa vật lý trong điều tra môi trường, tai biến địa chất…rất rộng, thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Liên đoàn Vật lý Địa chất đang phát triển hoạt động trong các lĩnh vực đa dạng này.

CÔNG TÁC NGHIÊN CỨU ỨNG DỤNG ĐỊA VẬT LÝ

Hoạt động nghiên cứu ứng dụng địa vật lý ở Liên đoàn phát triển theo những hướng chính sau:

- Nghiên cứu ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật công nghệ mới về máy, thiết bị địa vật lý , về công nghệ thu thập, xử lý, phân tích và biểu diễn tài liệu địa vật lý nhằm nâng cao hiệu quả, độ chính xác của các phương pháp địa vật lý trong việc giải quyết các nhiệm vụ địa chất đang trở nên ngày càng khó khăn, phức tạp hơn.

- Nghiên cứu, thử nghiệm để lựa chọn tổ hợp các phương pháp địa vật lý hợp lý nhằm tìm kiếm có hiệu quả các loại khoáng sản khác nhau, trong những điều kiện địa chất khác nhau.

- Nghiên cứu mở rộng phạm vi áp dụng các phương pháp địa vật lý nhằm mở rộng địa bàn hoạt động của Liên đoàn, tạo điều kiện để phát triển và nâng cao vai trò, hiệu quả của các phương pháp địa vật lý.

- Tổng hợp, phân tích, luận giải tài liệu địa vật lý ở mức độ cao bằng cách sử dụng các hệ chương trình xử lý, phân tích mới, mạnh, tiên tiến và đa năng để khai thác triệt để hơn các thông tin địa vật lý trong điều tra địa chất và đánh giá triển vọng khoáng sản.

Qua kết quả nghiên cứu, thử nghiệm, Liên đoàn đã xác định được một số tổ hợp các phương pháp địa vật lý hợp lý đối với một số đối tượng khoáng sản nhất định. Đó là: tổ hợp từ - điện tự nhiên - phân cực kích thích để tìm kiếm quặng thiếc gốc; tổ hợp điện tự nhiên - trường chuyển - phân cực kích thích để tìm kiếm pyrit; tổ hợp điện mặt cắt - điện tự nhiên - trường chuyển - phân cực kích thích - phổ gamma để tìm kiếm quặng vàng gốc; tổ hợp từ - phân cực kích thích - trường chuyển - trọng lực chính xác cao để tìm kiếm quặng chì-kẽm; tổ hợp đo sâu điện - đo sâu phân cực kích thích - trường chuyển để xác định độ tổng khoáng hoá nước dưới đất; tổ hợp các phương pháp hạt nhân để phân tích nhanh các mẫu địa chất; tổ hợp các phương pháp hạt nhân để xác định hướng và vận tốc dòng chảy của nước dưới đất chỉ trong một lỗ khoan…

Việc xử lý, phân tích tổng hợp tài liệu theo công nghệ mới (đặc biệt đối với tài liệu địa vật lý hàng không) rất quan trọng, nhằm mục đích địa chất hoá các số liệu địa vật lý để làm tăng thêm hiệu quả sử dụng chúng trong việc thành lập và luận giải cấu trúc địa chất theo các đặc trưng trường địa vật lý và nhận dạng theo các mẫu chuẩn để đánh giá, phân vùng dự báo triển vọng khoáng sản nội sinh theo các đặc trưng địa vật lý. Những tài liệu này sẽ là những cơ sở quan trọng giúp cho việc định hướng và quy hoạch công tác nghiên cứu điều tra địa chất và tìm kiếm khoáng sản.

THAY LỜI KẾT

Các hoạt động điều tra, nghiên cứu địa vật lý ở Liên đoàn Vật lý Địa chất qua 40 năm xây dựng và phát triển là rất phong phú và đa dạng. Mặc dù còn nhiều khó khăn khách quan và chủ quan, nhưng qua những hoạt động điều tra, nghiên cứu nói trên, Liên đoàn Vật lý Địa chất đã khẳng định được vai trò của mình và có những đóng góp quan trọng trong quá trình 60 năm xây dựng và phát triển ngành Địa chất Việt Nam và trong sự nghiệp điều tra địa chất, tìm kiếm khoáng sản, làm giàu cho Tổ quốc.

Những thành tựu đạt được là kết quả phấn đấu bền bỉ, vượt khó khăn của tập thể cán bộ công nhân viên toàn Liên đoàn, của sự quan tâm giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi của các cấp, của sự hợp tác hiệu quả với các đơn vị trong và ngoài nước, sự giúp đỡ tận tình của chính quyền và nhân dân trên các địa bàn công tác.

Bước vào giai đoạn phát triển mới, để làm tốt hơn nữa vai trò đơn vị chuyên ngành về địa vật lý trong Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường, từ những bài học kinh nghiệm trong chặng đường 40 năm qua, Liên đoàn Vật lý Địa chất sẽ không ngừng phấn đấu, tự hoàn thiện mình, khắc phục những yếu kém, nâng cao hiệu quả địa chất và kinh tế của các phương pháp địa vật lý trong giải quyết các nhiệm vụ địa chất trên toàn lãnh thổ và lãnh hải nước ta, thiết thực góp phần vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế xã hội do Đại hội X của Đảng đề ra.