BẢO TÀNG ĐỊA CHẤT VỚI CÁC BỘ SƯU TẬP MẪU VẬT MIỀN TÂY BẮC BỘ

NGUYỄN MAI LƯƠNG

Bảo tàng Địa chất, 6 Phạm Ngũ Lão, Hà Nội


Tóm tắt: Bảo tàng Địa chất tại Hà Nội được thành lập năm 1914. Tại đây trưng bày các bộ mẫu địa chất theo ba chủ đề: Lịch sử địa chất Việt Nam và hành tinh của chúng ta, Địa chất và khoáng sản Việt Nam và Các sưu tập chuyên đề. Bảo tàng đang lưu giữ một khối lượng lớn mẫu vật địa chất, khoáng sản và cổ sinh vật của nước ta, trong đó có khối lượng mẫu không nhỏ của miền Tây Bắc Bộ.


Bảo tàng Địa chất là cơ quan lưu trữ quốc gia và trưng bầy các mẫu vật địa chất và khoáng sản của nước ta. Bảo tàng đã được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp là Bảo tàng hạng I quốc gia. Với số lượng mẫu hiện có và quy mô trưng bầy, hình thức thể hiện, Bảo tàng Địa chất đã có nhiều đóng góp quan trọng trong đào tạo, phổ biến kiến thức cho học sinh, sinh viên, khách tham quan trong và ngoài nước cũng như công tác nghiên cứu của các nhà địa chất trong nước và quốc tế.

Trong bài báo này xin giới thiệu một số sưu tập mẫu vật địa chất và khoáng sản miền Tây Bắc Bộ ở Bảo tàng Địa chất và đề xuất một số công việc để phát triển, nâng cao chất lượng của các mẫu vật

Miền Tây Bắc Bộ có một lịch sử phát triển địa chất lâu dài, có cấu trúc địa chất rất phức tạp, gồm các thành tạo từ Tiền Cambri đến Đệ tứ. Trong khu vực này phân bố đa dạng các thành tạo địa chất và phát triển nhiều hệ thống phá hủy kiến tạo và hoạt động magma xâm nhập có thành phần và tuổi khác nhau. Chính sự phức tạp của cấu trúc địa chất đó đã tạo ra sự phong phú và đa dạng của các loại hình khoáng sản. Tại Bảo tàng Địa chất đang lưu giữ một số sưu tập mẫu vật địa chất của miền Tây Bắc Bộ thu thập trong nhiều giai đoạn khác nhau. Mỗi bộ sưu tập mẫu địa chất, khoáng sản là kết quả của một công trình địa chất do các nhà địa chất thu thập trong quá trình thực hiện công tác điều tra cơ bản về địa chất và tìm kiếm khoáng sản. Trong đó đáng kể là:

+ Bộ sưu tập địa tầng đới Sông Hồng của tác giả Phạm Đình Long, Đoàn Địa chất 20, năm 1960-1963: gồm các mẫu thạch học đặc trưng cho các phân vị địa tầng thuộc đới Sông Hồng được phân chia thời đó. Trong số đó có nhiều mẫu vật của phức hệ đá biến chất cổ Sông Hồng, các đá tuổi Đevon và Jura.

+ Bộ sưu tập địa tầng đới Phan Si Pan của tác giả Bùi Phú Mỹ, Đoàn Địa chất 20, năm 1960-1963: gồm các mẫu đá của các tầng đá phiến kết tinh Tiền Cambri, nhóm các mẫu vật của hệ tầng Cam Đường chứa apatit nổi tiếng ở Đông Nam Á, các mẫu vật có tuổi từ Paleozoi đến Creta.

+ Bộ sưu tập địa tầng đới Sông Đà của tác giả Bùi Phú Mỹ, Đoàn Địa chất 20, năm 1960-1963, gồm các mẫu đá có tuổi: C2-P, T1-2, T2, T2-3 và T3n-r.

+ Bộ sưu tập địa tầng đới Sơn La của tác giả Bùi Phú Mỹ, Đoàn Địa chất 20, năm 1960-1963, gồm các mẫu đá có tuổi : D2e, D2e-gv, C1, C2-P, T1-2, T2l và T2-3.

+ Bộ sưu tập địa tầng đới Sông Mã của tác giả Bùi Phú Mỹ, Đoàn Địa chất 20, năm 1960-1963 gồm các mẫu có tuổi: Pt, e3-O, O3-S1, D2e, D2e-gv.

+ Bộ sưu tập địa tầng đới Tú Lệ của tác giả Bùi Phú Mỹ, Đoàn Địa chất 20, năm 1960-1963, gồm các mẫu đá có tuổi J và J2.

+ Bộ sưu tập địa tầng đới Mường Tè của tác giả Bùi Phú Mỹ, Đoàn Địa chất 20, năm 1960-1963, gồm các mẫu đá có tuổi: D2e, D2e-gv, T2-3 và J.

+ Bộ sưu tập địa tầng đới Điện Biên Phủ của tác giả Bùi Phú Mỹ, Đoàn Địa chất 20, năm 1960-1963, gồm các mẫu đá có tuổi: C2-P, P2-T1, T3n-r, J1, K.

Các sưu tập mẫu nêu trên là một phần kết quả quan trọng của công trình điều tra, lập bản đồ địa chất tỉ lệ 1:500.000 miền Bắc Việt Nam.

+ Bộ sưu tập mẫu đá và quặng của mỏ asbest Suối Cẩn của Đoàn Địa chất 57.

+ Bộ sưu tập địa tầng và quặng sắt Ba Hòn - Làng Lếch của Đoàn Địa chất 50, năm 1972, gồm một số mẫu magnetit, hematit và một số mẫu địa tầng khu mỏ sắt Ba Hòn - Làng Lếch.

+ Bộ sưu tập mẫu địa tầng và quặng sắt Quý Xa của Đoàn Địa chất 50, năm 1972, gồm một số mẫu pyrit, limonit, goethit và một số mẫu địa tầng khu mỏ Quý Xa.

+ Bộ sưu tập mẫu tại mỏ đồng Sinh Quyền của Đoàn Địa chất 5, năm 1972, gồm nhiều mẫu quặng đồng, các đá biến đổi chứa quặng và các mẫu đá của hệ tầng Sinh Quyền.

+ Bộ sưu tập mẫu tại mỏ sắt Bảo Hà của Đoàn Địa chất 50, năm 1975, gồm quặng sắt các loại và các mẫu địa tầng khu mỏ Bảo Hà.

+ Sưu tập mẫu apatit Cam Đường của Liên đoàn Địa chất 3 sưu tầm năm 1980, gồm các mẫu quặng apatit đại diện cho quặng loại I, II, III của mỏ.

+ Sưu tập đá carbonatit - đất hiếm Nậm Xe của Liên đoàn Địa chất 10 gồm các mẫu fluorit, quặng đất hiếm và urani.

+ Sưu tập mẫu graphit Lào Cai của Đoàn Địa chất 24, năm 1962: gồm mẫu graphit và mẫu đá phiến chứa graphit.

Các bộ sưu tập này được thu thập trong quá trình tìm kiếm thăm dò các mỏ và tụ khoáng miền Tây Bắc Bộ. Các mỏ và tụ khoáng này là nguồn tài nguyên quan trọng để phát triển kinh tế của Tây Bắc Bộ hiện nay và trong các thập kỷ tiếp theo.

+ Sưu tập mẫu địa tầng tờ Hòa Bình - Tân Lạc của tác giả Trần Xuyên, năm 1983 gồm các mẫu đá của các hệ tầng Suối Bàng, Sông Bôi, Nậm Thẳm, Đồng Giao, Cò Nòi, Cẩm Thủy, Mó Tôm, Bản Nguồn, Sông Mua, Sinh Vinh, các phức hệ magma Kim Bôi và Ba Vì.

+ Sưu tập mẫu địa tầng và khoáng sản tờ Vạn Yên của tác giả Nguyễn Công Lượng, năm 1992, gồm các mẫu đá và quặng trên diện tích tờ bản đồ địa chất Vạn Yên tỷ lệ 1:50.000.

Ngoài ra còn một số sưu tập mẫu mới được nhận về Bảo tàng Địa chất sau khi kết thúc các báo cáo địa chất; đó là các sưu tập mẫu địa chất, khoáng sản và cổ sinh vật nhóm tờ Lào Cai, địa tầng magma và khoáng sản nhóm tờ Tuần Giáo tỷ lệ 1:50.000.

+ Sưu tập mẫu nephrit-jađeit Cò Phương, Sơn La của tác giả Trần Ngọc Cường, năm 1992.

+ Sưu tập đá quý vùng Lục Yên của tác giả Ngô Văn Nghiêm năm 1993, gồm các mẫu rubi, saphir và corinđon ở vùng Lục Yên.

Hai bộ sưu tập mẫu này là các kết quả điều tra vùng đá quý Lục Yên và đá ngọc jađeit ở Tây Bắc Bộ. Các mẫu vật này có ý nghĩa thực tế rất cao và ý nghĩa khoa học quan trọng, làm cơ sở để tiếp tục điều tra phát hiện đá quý ở Tây Bắc Bộ.

Tại Bảo tàng Địa chất cũng đang lưu giữ một số mẫu cổ sinh vật miền Tây Bắc Bộ thuộc một số ngành và lớp như Tay cuộn, Cúc đá, Chân rìu, San hô, Thực vật...

Thông qua các chủ đề và đề tài trưng bày, Bảo tàng Địa chất đã giới thiệu được bức tranh chung về địa chất và khoáng sản miền Tây Bắc Bộ. Ngoài chức năng giúp các nhà địa chất tham khảo, đối sánh các loại mẫu trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ điều tra địa chất khoáng sản, các sưu tập mẫu này là bộ giáo cụ trực quan cho các học sinh phổ  thông và sinh viên học về địa chất học.

Các bộ sưu tập mẫu miền Tây Bắc Bộ hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Địa chất tương đối đa dạng và phong phú, tuy nhiên để đáp ứng nhu cầu đòi hỏi ngày càng cao của học sinh, sinh viên, khách tham quan trong nước và quốc tế, cũng như việc nghiên cứu của các nhà địa chất trong và ngoài nước về địa chất Tây Bắc Bộ, tác giả có một số nhận xét và đề xuất như sau:

+ Hầu hết các bộ sưu tập mẫu vật của các phân vị địa tầng, magma được thu thập từ những năm 1960 trong quá trình lập bản đồ địa chất miền Bắc Việt Nam tỷ lệ 1:500.000. Các bộ mẫu này tuy nhiều và đa dạng, nhưng tư liệu hồ sơ của một số mẫu lại không đầy đủ, như vị trí lấy mẫu còn chưa chính xác hoặc sự phân chia địa tầng đã có thay đổi

+ Về các mẫu khoáng sản: các sưu tập lưu giữ tại Bảo tàng chưa tương xứng với tiềm năng khoáng sản của miền Tây Bắc Bộ, chưa đầy đủ để đại diện cho các kết quả điều tra trong thời gian qua.

Để nâng cao chất lượng phục vụ các nhà nghiên cứu, học sinh, sinh viên, khách tham quan, nên tiếp tục bổ sung, hoàn thiện các sưu tập mẫu, cụ thể là:

+ Hoàn thiện các bộ sưu tập mẫu vật địa chất hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Địa chất: kiểm tra và hiệu chỉnh cho chính xác tên, tuổi, vị trí lấy mẫu, kết quả phân tích đối với các mẫu...

+ Thu thập bổ sung các mẫu vật để đủ đại diện cho các phân vị địa chất đã có thay đổi hoặc mới phân chia trong quá trình điều tra địa chất khoáng sản trong thời gian gần đây như hệ tầng Viên Nam, các đá núi lửa vùng Tú Lệ, các đá amphibolit vùng Nậm Sư Lư, các đá núi lửa hệ tầng Sông Đà, các mẫu hóa thạch và các loại mẫu khác.

+ Thu thập các mẫu khoáng sản đặc trưng, trong đó lưu ý bổ sung các mẫu vật từ mỏ đồng Sin Quyền hiện đang được khai thác, các mẫu quặng vàng ở vùng Văn Bàn, Lương Sơn, quặng Cu-Ni ở Tạ Khoa, quặng đồng ở Sìn Hồ, quặng felspat, đá quý rubi-saphir trong đới Sông Hồng.

+ Trong thời đại của công nghệ thông tin ngày nay, rất nên ứng dụng công nghệ GIS trong công tác lưu trữ và tra cứu mẫu Bảo tàng Địa chất.

Trong khuôn khổ của bài báo này, tác giả cố gắng trình bày hiện trạng về các sưu tập mẫu địa chất và khoáng sản ở Tây Bắc Bộ và đề xuất một số ý kiến nhằm nâng cao chất lượng, ý nghĩa khoa học, thực tế của hệ thống mẫu vật tại Bảo tàng Địa chất. Tác giả xin chân thành cám ơn Giám đốc Bảo tàng Địa chất Nguyễn Việt Hưng, TS. Trần Tất Thắng và GS.TSKH. Đặng Vũ Khúc đã giúp tác giả hoàn thành bài báo này.

VĂN LIỆU

1. Ambrose T., 2000. Bảo tàng với sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, Hà Nội.

2. Nguyễn Mai Lương, 2001. Bảo tàng Địa chất tại Hà Nội. TC Địa chất. A/262 : 27-31, Hà Nội.

3. Nguyễn Việt Hưng (Chủ biên), 2001. Báo cáo Nghiên cứu và nâng cao chất lượng khoa học các bộ sưu tập mẫu vật của Bảo tàng Địa chất.  Lưu trữ Địa chất, Hà Nội.

4. Trần Văn Trị (Chủ biên), 2000. Tài nguyên khoáng sản Việt Nam. Cục ĐC&KSVN, Hà Nội

5. Trịnh Dánh (Chủ biên), 2000. Báo cáo Trưng bày mẫu vật và các mô hình về địa chất và khoáng sản tại Bảo tàng Địa chất. Lưu trữ Địa chất, Hà Nội.