DI SẢN THẾ GIỚI VỊNH HẠ LONG: NHỮNG GIÁ TRỊ NỔI BẬT VỀ ĐỊA CHẤT

 TRẦN VĂN TRỊ1, LÊ ĐỨC AN2, LẠI HUY ANH2,
TRẦN
ĐỨC THẠNH3, TONY WALTHAM4

1 Hội Địa chất Việt Nam, 6 Phạm Ngũ Lão, Hà Nội;
2 Viện Địa lý, 18 Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội;
3 Phân viện Hải Dương học, 246 Đà Nẵng, Hải Phòng;
4 Nottingham Trent University, NGI, 4BU, England

Tóm tắt: Năm 2000, vịnh Hạ Long đã được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới theo tiêu chí 1 của Công ước Di sản Thế giới về giá trị ngoại hạng, toàn cầu thể hiện các giai đoạn chính của lịch sử Trái đất đặc điểm địa mạo karst độc đáo. Vịnh Hạ Long và các vùng lân cận là một phần của lãnh địa liên hợp (composite terrane) Việt-Trung có lịch sử phát triển từ Tiền Cambri đến nay. Trong Phanerozoi, các trầm tích lục nguyên, núi lửa sinh, carbonat-silic chứa phong phú Bút đá, Tay cuộn, Cá cổ, San hô, Trùng lỗ, Răng nón, Trùng tia, Hai mảnh vỏ, thực vật, v. v... có trên 10 gián đoạn địa tầng, đáng chú ý là có ranh giới chuyển tiếp liên tục giữa Devon và Carbon. Địa mạo đá vôi karst phát triển từ Miocen, đặc biệt là các cụm đồi chóp nón liên kết nhau (fengcong) hoặc các tháp dựng đứng tách biệt (fenglin) với nhiều hang động ngầm cổ, nền karst cổ, hàm ếch biển tạo nên cảnh quan nguy nga, độc nhất vô nhị trên thế giới. Địa chất Đệ tứ phát triển qua 5 chu kỳ xen kẽ các môi trường lục địa, biển và vịnh Hạ Long ngày nay chính thức ra đời từ biển tiến cực đại Holocen giữa còn giữ lại nhiều ngấn sóng vỗ khắc lõm vào vách đá vôi với các di tích hàu-hà có tuổi 14C từ 2280 đến > 40.000 năm trước ngày nay (ntn). Chủng loại tài nguyên phong phú: antracit, lignit, đá dầu, dầu-khí, đá vôi và các phụ gia xi măng, kaolin, cát thuỷ tinh, dolomit, quarzit có nguồn gốc ngoại sinh và antimon, thuỷ ngân, v.v... có nguồn gốc nhiệt dịch. Ngoài ra còn có nước mặt, nước dưới đất, nước khoáng nóng ven bờ vịnh Hạ Long - Bái Tử Long, và các nguồn tài nguyên môi trường khác.

GIỚI THIỆU

Vịnh Hạ Long nằm ở Đông Bắc Việt Nam, thuộc tỉnh Quảng Ninh, giáp Hải Phòng, với diện tích 1.553 km2, gồm 1.969 hòn đảo, là vùng biển đảo được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng là Di tích danh thắng cấp quốc gia vào năm 1962, và được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới vào năm 1994 theo tiêu chí 3 (Công ước Di sản Thế giới), có cảnh quan thiên nhiên nổi bật với vẻ đẹp mang giá trị thẩm mỹ cao, được giới hạn từ đảo Đầu Gỗ (phía tây), hồ Ba Hầm (phía nam) và đảo Công Tây (phía đông) thuộc trung tâm vịnh với diện tích 434 km2, gồm 775 hòn đảo, trong đó có 411 đảo đã được đặt tên. Vùng đệm bao quanh dọc bờ vịnh theo quốc lộ 18A đến Quan Hanh (thị xã Cẩm Phả) có chiều rộng 5-7 km và vùng phụ cận là biển hoặc đất liền bao quanh vùng đệm, kể cả vùng biển giáp ranh với vườn Quốc gia Cát Bà.

Theo đề xuất của TS. địa chất Hans Friederich, Trưởng Văn phòng đại diện Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên Quốc tế (IUCN) tại Hà Nội và Ban Quản lý vịnh Hạ Long, GS Tony Waltham, trường Đại học Trent Nottingham, UK đã tiến hành nghiên cứu địa chất, karst đá vôi vịnh Hạ Long (1998). Bộ Văn hóa - Thông tin, Uỷ ban Quốc gia UNESCO Việt Nam đã gửi hồ sơ đến Uỷ ban Di sản thế giới (WHC) tại Paris (12/1999). IUCN và WHC đã cử GS Eleri Hamilton Smith đến Hạ Long để làm báo cáo thẩm định tính xác thực của hồ sơ (3/2000) và kỳ họp toàn thể lần thứ 24 của WHC tại thành phố Cairns bang Queensland, Australia đã công nhận giá trị toàn cầu nổi bật về địa chất lịch sử, địa mạo karst đá vôi ở vịnh Hạ Long theo tiêu chí 1 của Công ước Di sản thế giới và thông qua với số phiếu thuận tuyệt đối ghi vào Danh mục Di sản Thế giới ( 2/12/2000).

Vừa qua Thủ tướng chính phủ ra 142/2002 TTg v/v phê duyệt quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị Di sản vịnh Hạ Long đến 2020 đã phân định phạm vi nghiên cứu trực tiếp là 1.553 km2, trong đó di sản vịnh Hạ Long là trung tâm, và phạm vi nghiên cứu gián tiếp bao ngoài gồm cả đảo Cát Bà và các vùng phía bắc đường 18A.

Trên cơ sở các tài liệu đã có, tập thể tác giả xin giới thiệu khái quát những giá trị nổi bật về địa chất vịnh Hạ Long và các vùng lân cận và tin tưởng rằng với những nghiên cứu tiếp theo nhất định sẽ phát hiện ra những giá trị địa chất khác nữa.

BỐI CẢNH ĐỊA CHẤT

Vịnh Hạ Long và các vùng lân cận là một phần của lãnh địa liên hợp (composite terrane) Việt-Trung, trải qua các quá trình tiến hoá tách trôi, va chạm và biến cải trong Tiền Cambri - Phanerozoi.

Móng Tiền Cambri và Paleozoi hạ phần lớn bị che phủ, chỉ lộ ra vài nơi quanh vịnh Bắc Bộ, nhưng các thành tạo từ Ordovic đến nay lộ ra khá đầy đủ trên các vùng này (Hình 1).

Dọc các đới nâng quần đảo Cô Tô và Tấn Mài các thành tạo flysh lục nguyên - núi lửa sinh Ordovic-Silur thuộc bối cảnh rìa cung đảo núi lửa bị uốn nếp mạnh tạo thành phức nếp lồi Quảng Ninh trong giai đoạn va chạm, tạo núi Caledoni gắn kết thành lãnh địa Việt-Trung. Phủ không chỉnh hợp trên chúng là các trầm tích lục nguyên - carbonat Devon - Paleozoi thượng, phân bố ở tây bắc vịnh Bắc Bộ và Hải Phòng, Hải Dương, uốn nếp không đối xứng có tư thế nghiêng thoải cắm chìm dưới vịnh Hạ Long và duyên hải Quảng Ninh.

Nằm chồng gối trên các cấu trúc vừa nêu là rift nội lục An Châu ở phía tây bắc và các địa hào lục địa chứa than Mesozoi Hòn Gai, Bảo Đài là sản phẩm của quá trình kiến sinh Indosini, rồi sau đó chịu sự tác động của rìa lục địa tích cực Jura - Creta muộn làm phức tạp thêm. Trên cùng là các cấu trúc Kainozoi như bể trượt tách (pull-apart) Sông Hồng, các địa hào Hoành Bồ, Vịnh Bắc Bộ là các bể chứa dầu-khí và than lại chịu ảnh hưởng của hoạt động trượt bằng trái theo hệ đứt gãy Sông Hồng và sự hình thành biển Đông.

Những bối cảnh địa chất nêu trên đã tạo ra những giá trị nổi bật toàn cầu về khoa học địa chất lịch sử, địa mạo karst, địa chất biển Đệ tứ và tính đa dạng về tài nguyên địa chất của vịnh Hạ Long và các vùng lân cận.

GIÁ TRỊ VỀ ĐỊA CHẤT LỊCH SỬ VÀ CẤU TRÚC

Lịch sử phát triển vỏ Trái đất ở vịnh Hạ Long gắn liền với các khu vực quanh vịnh Bắc Bộ và Đông Nam Trung Quốc.

 Thời kỳ Tiền Cambri (3 - 0,75 tỷ năm), móng kết tinh có tướng biến chất granulit, amphibolit lộ ra một vài nơi ở lưu vực sông Hồng, đảo Hải Nam, Quảng Đông trải qua các giai đoạn nhiệt - kiến tạo Archei muộn có tuổi đồng vị 2,93-2,84 tỷ n., Proterozoi có tuổi 2,36-1,96 tỷ n., 1,79-0,97 tỷ n. [35], va chạm, tạo núi Grenvilli gắn kết các craton Cathaysia, Dương Tử - Hoàng Liên Sơn và Indosinia với nhau, là những hợp phần của siêu lục địa Rodinia cách đây khoảng 1,0 tỷ n. [11]. Sau đấy diễn ra quá trình nứt tách rift hoá phát triển các bể trầm tích, cung đảo núi lửa hình thành đại lục Gondwana cách đây khoảng 550 triệu năm rồi qua nhiều biến cố một phần được tách trôi và bồi kết vào châu Á [11], trong đó có vịnh Bắc Bộ và các khu vực xung quanh.

Thời kỳ Neoproterozoi - Paleozoi giữa (750-350 triệu năm - tr.n.). Sự giống nhau giữa các tỉnh sinh vật, cổ từ của các thành tạo địa chất Cambri - Carbon trong các lãnh địa liên hợp Việt-Trung, Đông Dương, v. v... thuộc nam bán cầu cùng với Australia minh chứng nguồn gốc Gondwana của các lãnh địa trên. Các trầm tích chứa nhiều loại cổ sinh, các thành tạo magma Phanerozoi có mối quan hệ không gian và thời gian tạo thành những đảo ở vịnh Hạ Long và các vùng lân cận là những trang sử đá ghi lại những dấu ấn của sự tiến hoá địa chất khoảng 550 tr.n. đến nay.

Bể trầm tích Cambri - Ordovic sớm (550-465 tr.n.) chứa nhiều Bọ ba thuỳ, Tay cuộn, v.v... phân bố rộng ở Bắc Việt Nam sang Nam Trung Quốc trong môi trường biển nông Hà Tuyên - Thanh Hoá và sâu dần ở Đông Bắc Bộ, đảo Hải Nam, v. v... Sau gián đoạn, bể trước cung Cô Tô (O3-S ct) và Tấn Mài (O3-S tm) được hình thành gồm các thành tạo flysh tufogen, olistostrom, turbidit giàu vật liệu vụn núi lửa kiểu kiềm-vôi có bề dày trên 1800 m, uốn nếp mạnh, dạng tuyến ĐB-TN chứa Bút đá như Demirastrites triangulatus, Spirograptus turriculatus, Pristiograptus cf. regularis, Monograptus ex gr. pandus, v.v... thuộc Llandovery và Wenlock tuổi Silur sớm-giữa (435-425 tr.n.) và phần thấp có khả năng tuổi Ordovic muộn [20, 36] kéo sang rìa cung đảo Yunkai, Quảng Đông, Trung Quốc. Biển thoái dần về phía nam hiện tại, để đọng lại các trầm tích thềm nông cát bột kết, đá vôi sét được xếp vào hệ tầng Kiến An (S3-4 ka) có bề dày > 600 m cắm nghiêng về đông bắc. Tại đây có hệ động vật không xương sống bám đáy như Tay cuộn: Retziella weberi, Nikiforovaena vietnamensis, Howellella bragensis, v.v..., San hô: Mesofavosites sp., Xiphelasma sp., Nipponophyllum sp. v.v.... Hai mảnh vỏ: Schizodus kienanensis, Modiomorpha paracrypta v.v... thuộc Ludlow muộn đến Pridoli thuộc Silur muộn (khoảng 420-413 tr.n.) tương tự các khu vực hạ lưu sông Đà, Quảng Bình thuộc mảng Đông Dương gần gũi với các mảng Hoa Nam, Trung Á và Đông Australia [31].

Chuyển động kiến tạo Paleozoi sớm-giữa, đã có những biểu hiện tạo núi, hoạt động magma trong Cambri giữa, Ordovic giữa-muộn, đặc biệt là quá trình va chạm, uốn nếp có xâm nhập granitoid đi cùng vào cuối Silur (410± 20 tr.n.) hình thành lãnh địa liên hợp Việt-Trung có miền lục địa mở rộng dần về phía nam từ Silur đến Devon.

Bể trầm tích Devon - Carbon sớm (410 - 340 tr.n.) với mặt cắt biển tiến từ thành hệ molas lục địa, cận lục địa chuyển dần lên lục nguyên - carbonat-silic trên thềm biển nằm không chỉnh hợp góc trên hệ tầng Cô Tô (O3-S ct) lộ ra ở đảo Trần và hệ tầng Kiến An (S3-4 ka) tạo thành một cánh nếp lõm nghiêng vòng cắm về tây bắc dưới vịnh Hạ Long, duyên hải Quảng Ninh và hướng đông bắc nghiêng về phía Hải Phòng - Thuỷ Nguyên. Phần dưới của chúng được gộp chung vào loạt Sông Cầu với các hệ tầng Mia Lé, Dưỡng Động, Đồ Sơn có bề dày 1000-1400 m tuổi Devon sớm-giữa trên cơ sở các hoá thạch thực vật dạng Cooksonia, Lepidodendropsis,.... Bọ cạp vây rộng: (Eurypterid arthropods) Rhinocarcinosoma, Cá cổ: Zhanjilepis, Vietnamaspis trii, Bothriolepis, Asterolepis, v.v. (Hình 2), Tay cuộn: Lingula aff. yunnanensis, Hai mảnh vỏ, v.v....[8,12] tiếp trên là cát - bột kết, đá phiến sét, sét vôi chứa Tay cuộn: Euryspirifer cf. tonkinensis, Desquamatia desquamata, Acrospirifer sp. đảo Ngọc Vừng. San hô: Syringopora eifeliensis, Amphipora vatustior, v.v.... Phần giữa là đá vôi và ít đá phiến silic gồm các hệ tầng Tràng Kênh, Bản Páp có bề dày khoảng 650 m chứa San hô: Caliapora battersbyi, Amphipora ramosa đảo Trà Bàn, Tay cuộn: Stringocephalus burtini, v.v... tuổi Givet, Trùng lỗ Tikhinella, Eotournayella, Ruột khoang lỗ tầng: Amphipora rudis, Stachyodes costulata có tuổi Frasni và Răng nón: Palmatolepis triangularis, P. perlobata, P. subricata, Nathognathella abnormis, Apatognathus sp. tuổi Famen sớm [3, 7, 46]. Phần trên là đá vôi, đá phiến silic phân nhịp kiểu turbidit gồm các hệ tầng Phố Hàn (D3fm-C1 ph) chứa Trùng lỗ ở đảo Cát Bà, núi Voi (C1 nv) ở Kiến An và một số đảo rìa đông bắc vịnh Hạ Long - Bái Tử Long. Đặc biệt, việc phát hiện được ranh giới Devon - Carbon gồm các đới Răng nón: Palmatolepis gracilis sigmoidalis, Trùng lỗ: Quasiendothyra konensis tuổi Famen muộn chuyển tiếp lên Siphonodella sulcata, S. duplicata Parathurammina suleimanovi cũng như San hô: Syringopora distans, v.v... tuổi Turnais sớm ở bãi Cát Cò 3 phía nam đảo Cát Bà [3, 46] là một chứng cứ hiếm thấy, có giá trị khoa học nổi bật trong khu vực và thế giới. Cũng tại vết lộ này ranh giới Devon - Carbon có giá trị độ từ cảm tăng đột ngột (từ 7 x10-9 tới 6 x 10-8) đồng thời với sự thay đổi xu hướng của chu trình biến thiên từ cảm rõ rệt, tương tự với ranh giới cùng tuổi ở Tây Ban Nha cho thấy mối tương quan toàn cầu của quá trình tích tụ trầm tích [23].

Thời kỳ Paleozoi muộn - Mesozoi (350-65 tr.n.). Sau giai đoạn va chạm, ghép nối giữa hai mảng Đông Dương và Vịêt - Trung, bể Paleozoi muộn (340-250 tr.n.) phát triển trên thềm tương đối bình ổn hình thành trầm tích carbonat - magnesi phân bố rộng ở Đông Dương - Nam Trung Quốc, đồng thời cũng tồn tại một số võng biển sâu là những nhánh của Paleo-Tethys kéo qua Đông Bắc Việt Nam. Các trầm tích này gồm đá vôi dolomit xen những lớp mỏng đá vôi trứng cá và đá phiến silic vôi được xếp vào hệ tầng Bắc Sơn (C1-P bs) có bề dày khoảng 1000 m lộ ra trên nhiều đảo và ven bờ vịnh Hạ Long uốn nếp đơn nghiêng hoặc gợn sóng (ảnh 5) [7, 17, 25] chứa các hệ lớp Trùng lỗ từ Chernyshinella, Dainella v.v... đến Cancellina, Neoschwagerina, Verbeekina [7, 17, 25] và các di tích Huệ biển, San hô, Tay cuộn, Hai mảnh vỏ, Rêu động vật, v.v... Trong khi đó ở Bãi Cháy, Hoành Bồ lại có các tập đá phiến silic (chert) dạng turbidit chứa Trùng tia: Albaillella paradoxa, A. undulata, Follicucullus bipartitus v.v...có tuổi từ Carbon đến Permi do Wu Haoruo xác định, có khả năng là di tích của một nhánh Paleo-Tethys kéo dài sang Quảng Đông, Trung Quốc [43]. Dọc duyên hải Hạ Long, Cẩm Phả còn gặp trầm tích silic, lục nguyên thuộc hệ tầng Bãi Cháy chứa Tay cuộn: Productus gratiosus, Spiriferina cf. cambodgensis,..., Trùng lỗ: Glomospira, Nankinella, v.v... tuổi Permi muộn [4, 25]. Vào giai đoạn Paleozoi muộn-đầu Mezozoi, hoạt động kiến tạo Hercyni - Indosini tạo ra sự va chạm giữa các mảng Shan-Thai, Đông Dương và Việt-Trung, cũng như tách giãn và va chạm nội craton gây ra biến cố kịch phát vào Trias sớm-giữa (245± 10 tr.n.), ảnh hưởng toàn bộ các khu vực này. Bể Mesozoi (250-65 tr.n.) Đông Bắc Bộ thu hẹp dần, tạo rift nội lục An Châu ở rìa tây Quảng Ninh có các trầm tích biển chứa Cúc đá, Hai mảnh vỏ, ryolit porphyr xếp vào các hệ tầng Bình Liêu (T2a), Nà Khuất (T2) lên trầm tích lục địa có các hệ tầng Mẫu Sơn (T3c), Bản Hang (K). Vào cuối Trias muộn, biển rút dần về phía Hà Bắc - Thái Nguyên tạo than paralic - hệ tầng Văn Lãng (T3n-r vl), chuyển sang bể than Quảng Ninh tướng vũng vịnh, lục địa các hệ tầng Hòn Gai (T3n-r hg) và Hà Cối (J1-2 hc) [4, 38].

Địa hào Hòn Gai nằm kẹp giữa hai đới đứt gãy Trung Lương ở phía bắc và Đường 18A ở phía nam ven bờ Hạ Long - Cẩm Phả gồm các trầm tích lục nguyên chứa nhiều vỉa than có bề dày thay đổi 2200-3800 m [28, 38]. Đáng chú ý là phức hệ thực vật Hòn Gai nổi tiếng thế giới với sự phong phú và đa dạng gồm các nhóm: Hạt trần, Dương xỉ, Thân đốt, .v.v...đến nay đã phát hiện trên 195 dạng, ngoài những dạng khu vực và thế giới có 50 dạng chưa được nghiên cứu đầy đủ, có trên 62 dạng địa phương độc đáo bao gồm từ dưới lên có các tầng chứa: Taeniopteris nilssonioides, T. spathulata, Pecopteris, tonquinensis với lớp phong phú Bernoullia zeilleri, Otozamites obtusus, Anomozamites gracilis, động vật nước ngọt Estheria, Sibireconcha sp.,...nước lợ và biển ven bờ Gervillia cf. inflata, Thracia sp... phần lớn có tuổi Nori-Ret [16, 40, 42].

Quá trình tạo núi vẫn tiếp diễn tạo ra các trầm tích molas lục địa vụn thô màu đỏ hệ tầng Hà Cối chứa thực vật Anomozamites sp., Coniopteris sp., Hai mảnh vỏ nước ngọt Tutuella cf. kui, T. cf. nuculiformis tuổi Jura sớm-giữa [18, 40] và hệ tầng Bản Hang chứa Hai mảnh vỏ: Cyotrigonioides sp., tuổi Creta sớm nằm không chỉnh hợp trên các thành tạo cổ hơn.

Vào Jura muộn đến cuối Creta, cung núi lửa - pluton kiềm - vôi lai tính thuộc rìa lục địa tích cực được hình thành trên đới hút chìm vào rìa đông mảng Á-Âu, trong đó khu vực Đông Bắc Bộ cũng trải qua quá trình hoạt hoá mạnh mẽ. Đồng thời miền lục địa Sundaland lan rộng ra Đông Nam Á, gồm cả vịnh Bắc Bộ và phần lớn biển Đông, trên đó nhiều nơi có các trũng giữa núi, sông hồ và biển sót chứa các thành tạo evaporit trong điều kiện khí hậu khô, nóng.

Thời kỳ Kainozoi (65-0 tr.n.). Các trầm tích sông-hồ, châu thổ xen kẽ biển nông được hình thành trên các rift kiểu trượt tách Sông Hồng có bề dày 4-15 km dọc hệ đứt gãy trượt bằng trái TB - ĐN, Vịnh Bắc Bộ có bề dày 3-6 km kéo dài theo hướng TB - ĐN [30, 34]. Theo tài liệu địa chấn và khoan thăm dò dầu-khí, các trầm tích này đựơc thành tạo theo các giai đoạn trước rift: cuối Creta - Paleocen, đồng rift: Eocen - Oligocen muộn, sau rift: cuối Oligocen - Miocen liên quan với quá trình tách giãn đáy biển Đông (32-15,5 tr.n.), nghịch đảo: Miocen giữa-muộn với hoạt động uốn nếp, bào mòn và cuối cùng là sự hình thành thềm lục địa gồm các trầm tích Pliocen - Đệ tứ (5,5-0 tr.n.) nằm không chỉnh hợp trên khu vực lớn và hầu như không bị biến dạng mấy [26, 29, 30].

Đặc biệt, các trầm tích này còn có biểu hiện đá dầu, asphaltit lộ ra ở Hoành Bồ và đảo Bạch Long Vĩ chứa phong phú bào tử phấn hoa: Cicatricosisporites dorogensis, Verrutricolporites pachydermus, Pentapollenites maomingensis v.v… tuổi Oligocen [27], các di tích thực vật cận nhiệt đới ẩm: Quercus cf. lobbii, Pecopteris totangensis, Q. cf. neriifolia, Acer trilobatum, Phragmites oeningensis, v.v.. Chân bụng: Viviparus cf. margaryaeformis, … tuổi Mio-Pliocen [39, 37]. Ngoài ra đôi nơi còn biểu hiện phun trào bazan Đệ tứ, và từ giữa Holocen hệ đảo biển ở vịnh Bắc Bộ được hình thành.

Về mặt cấu trúc có thể chia ra khối nâng đơn nghiêng Vân Đồn, khối sụt nếp lõm Hạ Long, khối nâng nếp lồi Cát Bà qua các hệ đứt gãy TB - ĐN ĐB - TN [14, 24] tiếp giáp với địa hào Hòn Gai và trũng Hoành Bồ qua hệ đứt gãy á vĩ tuyến và đôi nơi còn biểu hiện đang hoạt động [15].

GIÁ TRỊ VỀ ĐỊA MẠO KARST ĐÁ VÔI

Vịnh Hạ Long ở rìa tây bắc vịnh Bắc Bộ giáp với miền duyên hải Quảng Ninh - Hải Phòng với các dạng địa hình núi đồi ven biển, đặc biệt là các đảo - núi sót đá vôi trên và dưới mực nước biển tạo nên các kiểu karst, hang động nổi tiếng thế giới (Hình 3 và ảnh 1).

Địa mạo vịnh Hạ Long là một mẫu hình tuyệt vời về karst trưởng thành nhờ có tầng đá vôi dày khoảng 1000 m khá thuần nhất, trong điều kiện khí hậu nóng ẩm, mưa nhiều và trên nền tổng thể nâng tân kiến tạo chậm chạp, dưới sự tác động tương hỗ biển, đất, trời. Quá trình tiến hóa karst ở đây từ Miocen (khoảng 20 triệu năm cách ngày nay) đến nay, trải qua 5 giai đoạn: 1- tạo đồng bằng cổ, 2- tạo phễu, thung lũng karst, 3- hình thành các cụm đồi chóp hình nón liên kết nhau (Trung Quốc gọi là fengcong) (ảnh 2 và 3), 4- phát triển thành các tháp cao có vách dựng đứng tách rời nhau (fenglin) (ảnh 5 và 6), 5- tạo ra đồng bằng mới [32, 41] nên được đề nghị bổ sung thuật ngữ mới là "kiểu Hạ Long" đặc trưng cho karst đá vôi nhiệt đới bị biển ngập [9].

Những dạng địa hình dương. Vùng nghiên cứu trực tiếp có diện tích 1553 km2 và 1969 hòn đảo với mật độ 1,27 đảo/km2, bao gồm các đảo - núi sót thuộc loại cực nhỏ (0,01- 0,0001 km2), rất nhỏ (0,1 - 0,01 km2) chiếm đến 91,5 % tổng số đảo, nhưng chỉ chiếm 25,79 % tổng diện tích đảo. Chỉ có 7 đảo có diện tích trên 1 km2, trong đó lớn nhất là đảo Hang Trại 4,613 km2. Trong vùng vịnh Hạ Long cứ 1 ha mặt đảo thì tương ứng có 9 ha mặt nước biển.

Dải đảo phía tây gồm 7 cụm đảo (xem bảng 1) theo số lượng đảo, hình dạng, kích thước và mối liên kết của chúng có thể sử dụng 2 chỉ số Kvà I.

K = số lượng đảo nón, tháp, vòm tách biệt chia cho tổng số đảo.

Kmax= 1 khi tất cả đảo là dạng nón, tháp tách biệt. với:

h = độ cao đảo núi sót

R = bán kính đáy đảo, với quy ước diện tích đáy quy về hình tròn

I = chỉ số hình thái nón tháp

 

Bảng 1. Số lượng đảo phân chia theo dạng nón, tháp và chỉ số K

TT

Tên cụm đảo

Số đảo dạng nón, tháp, vòm

Số đảo dạng dãy núi sót

Tổng số đảo

K

Tách biệt

Liên kết 2

Liên kết 3

1

Đầu Gỗ

3

2

2

1

8

0,37

2

Chân Voi - Vạn Bội

20

9

3

3

35

0,57

3

Dầm Nam

6

2

1

1

10

0,60

4

Lờm Bò

15

3

1

2

21

0,71

5

Bồ Hòn

33

6

3

2

44

0,75

6

Hang Trại

36

5

3

1

45

0,80

7

Đầu

27

6

3

1

37

0,73

 

 

140

33

16

11

200

Ktb 0,70

 

Chỉ số K thay đổi từ K = 0,37 cụm Đầu Gỗ đến K = 0,80 cụm Hang Trại và trung bình K = 0,70, có nghĩa là cứ 10 đảo thì có 7 đảo dạng nón, tháp, vòm tách biệt và tăng dần từ gần bờ đến xa bờ. Đặc điểm chỉ số hình thái các cụm đảo cho thấy cụm Bồ Hòn, Hang Trại, Đầu Bê xa bờ hơn, có nhiều nón, tháp tách biệt hơn, đặc trưng hơn và Imax = 2,40, đồng thời Imin = 0,12.

Về độ cao bậc địa hình trong dải Đầu Gỗ, Đầu Bê có 92 đảo có thể chia ra 3 nhóm: 140-220 m (140-160 m, 170-190 m, 200-220 m) có các đỉnh cao nhất có thể ứng với mặt san bằng Pliocen; 50-130 m (50-60 m, 70-90 m, 100-130 m) là bậc độ cao phổ biến nhất chiếm 59% phản ánh giai đoạn phát triển vào đầu Đệ tứ và 10-14 m là bậc địa hình chịu ảnh hưở+ng trực tiếp của biển có thể vào Pleistocen muộn - Holocen.

Những dạng địa hình âm. Các phễu karst, hố sụt và thung kín rất phổ biến ở vùng Hạ Long và đảo Cát Bà, có hình đẳng thước, bầu dục hay bán nguyệt với kích thước khác nhau, đáy nằm ở độ cao trên dưới 5 m. Do biển ngập, cho nên phần lớn biến thành các hồ nước và vũng vịnh. áng (từ địa phương) là các hồ karst kín nằm giữa các đảo gồm khoảng 62 áng, trong đó lớn nhất là áng Vẹm (28,8 ha), nhỏ nhất là áng Trề Môi (0,7 ha) thường có độ sâu 1-3 m [44].

Tùng (từ địa phương) là các vũng vịnh nhỏ ăn sâu vào các đảo đá vôi, nguyên là các thung lũng, hẻm vực, hố sụt karst bị ngập nước biển. Theo thống kê trong vùng Hạ Long và Cát Bà có 57 tùng, trong đó lớn nhất là tùng Gấu (220 ha) và nhỏ nhất là tùng Mây Đen (1,5 ha).

Hang động. Ở vịnh Hạ Long, hang động hết sức phong phú, đa dạng đến nay đã biết khoảng 24 hang động, thường dài từ vài chục đến vài trăm mét, phân bố theo độ cao gồm 3 tầng: tầng 1 - cao 3-4 m liên quan với mực nước biển hiện tại, tầng 2 - cao 5-15 m thường có kích thước lớn hơn cả, tầng 3 - cao 25-50 m như động Thiên Cung, Mê Cung. Nhìn chung, các hang động cao có tuổi hình thành cổ hơn, trong đó đa số các hang tầng 2, 3 có thể được thành tạo trong Pleistocen. Hang động ở vịnh Hạ Long thuộc 3 nhóm chính [32,41].

1. Nhóm hang ngầm cổ phần lớn là những lối thông thoát nước từ những phễu karst cổ, có lối đi dốc và có khoảng chênh cao đáng kể. Hang Sửng Sốt (xem ảnh 7) ở đảo Bồ Hòn có lối thông rộng, cao hơn 10 m, động Tam Cung gồm 3 ngăn chênh cao 20 m phát triển theo phân lớp đá vôi. Động Lâu Đài ở đảo Cổ Ngựa là một phức hệ các lối thông dài 300 m. Động Thiên Cung và hang Đầu Gỗ là di tích của cùng một hang động cổ nằm ở độ cao khoảng 20-50 m, trong đó Thiên Cung là một ngăn lớn dài hơn 100 m được các vách nhũ đá chia thành nhiều ngăn nhỏ và Đầu Gỗ có dạng một đường hầm lớn, hạ thấp dọc theo một hệ thống khe nứt.

2. Nhóm hang nền karst cổ hình thành khi xâm thực mở rộng ngang tại mức cơ sở, có lối thông gần như nằm ngang liên quan với các thềm biển bào mòn hoặc tích tụ nằm ngang mực cơ sở. Trinh Nữ là hang nền lớn nhất ở vịnh Hạ Long có trần cao 12 m trên mực biển, dài 80 m và phát triển qua nhiều giai đoạn. Bồ Nâu là hang nằm ngang dài 70 m xen với nhiều nhũ đá cổ.

3. Nhóm hang hàm ếch biển hình thành do quá trình hoà tan của nước biển, sóng và thuỷ triều, theo phản ứng hoá học thông thường: CO2 + CaCO3 + H2O D Ca++ + 2(HCO3) thường có mái trần nằm ngang tạo ra ở mực nước biển hiện tại và cả trong các kỳ biển tiến dao động trong Holocen, thậm chí cả Pleistocen. Một số hang ở khu hồ Ba Hầm gồm tổ hợp 3 hang thông 3 hồ nước mặn với nhau và thông ra biển, với hang ngoài cùng dài 150 m, rộng 10 m. Hang Luồn ở đảo Bồ Hòn chỉ dài 50 m, có mái trần cách mực triều cao khoảng 2 m.

Ngấn biển. Dấu ngấn ăn lõm vào vách đá do sóng vỗ và gặm mòn của nước biển làm cho các đảo dạng nón, tháp, v.v. có đáy thắt nhỏ lại tạo hang luồn, hàm ếch góp phần làm tăng vẻ độc đáo của cảnh quan karst vùng vịnh (xem ảnh 4 và 5). Ngấn biển ở các độ cao khác nhau từ 2,0-2,5 m, 3-5 m, 7-8 m đến 9-12 m, trong đó nhiều ngấn còn vỏ hàu hà bám vào, qua phân tích tuổi đồng vị 14C biết được tuổi của thời điểm tồn tại mặt biển ứng với độ cao đó, mà kết quả cụ thể sẽ đề cập ở phần sau.

Thung lũng và đồng bằng karst bị ngập. Các thung lũng karst bị ngập tạo thành các luồng lạch phần lớn có phương TB - ĐN kéo dài 5-10 km có độ sâu 10-20 m. Đáy vịnh Hạ Long thuộc đồng bằng karst bị ngập sâu 3-20 m, có bề mặt đáy phức tạp với nhiều mô sót, luống, rãnh ngầm có tính phân bậc khá rõ: 1-4 m, 6-11 m, 12-20 m thể hiện các giai đoạn bóc mòn - mài mòn trước khi bị chìm ngập, mà nhiều nơi có san hô tạo rạn. Đồng bằng karst này được thành tạo từ Holocen giữa, có hệ thống đảo chắn ngoài nên ngăn được sự tác động mạnh mẽ của sóng, nhưng do biên độ thuỷ triều cao (cực đại đến 4 m) nên có cả tích tụ lẫn xâm thực [22].

GIÁ TRỊ VỀ ĐỊA CHẤT ĐỆ TỨ VÀ ĐỊA CHẤT BIỂN

Địa chất Đệ tứ vịnh Hạ Long liên quan chặt chẽ với sự hình thành vịnh Bắc Bộ và châu thổ sông Hồng. Trên vùng duyên hải và một số đảoĐông Bắc Bộ còn gặp các di tích bậc thềm ở các độ cao 45-65 m, 20-30 m, 10-15 m, 4-6 m, 1,5-3 m [5, 19, 21] và đáy vịnh Bắc Bộ còn có các trầm tích đọng lại ở các bậc địa hình tuyến ngang trong đới sóng vỗ bờ sâu đến 5 m, đới sóng phá huỷ - biến dạng (5-0 m), đới sóng lan truyền (trên 20-30 m) và đồng bằng tích tụ dạng châu thổ cổ (sâu 80-110 m) phát triển vào giai đoạn Pleistocen muộn [22].

Trong khi đó đồng bằng sông Hồng, ven biển Hải Phòng, Quảng Ninh các chu kỳ trầm tích Pleistocen sớm, Pleistocen giữa-muộn chủ yếu là tướng sông-lũ và ít vũng vịnh Pleistocen muộn, Pleistocen muộn - Holocen giữa. Giai đoạn biển tiến cực đại và Holocen muộn gồm các tướng sông-hồ, đầm lầy, châu thổ biển nông ven bờ, gió chứa các di tích Thân mềm, Trùng lỗ, v.v.. cùng với các chu kỳ băng hà Gunz (1,6 tr.n.) Mindel (700.000 n.) Riss (125.000 n.), Wurm (20.000 n), biển tiến Flandri khoảng 5000 n. [13, 34]. Nhìn chung, thời kỳ Pleistocen lục địa thống trị, nhưng vẫn có một số đợt biển tiến có Trùng lỗ quan sát được qua các lỗ khoan ở Hải Phòng, Vĩnh Bảo, v.v.. nhưng sang Holocen môi trường biển thống trị [2] và vịnh Hạ Long ngày nay chính thức ra đời có thể chia ra 6 giai đoạn [10, 33].

1- Khởi đầu biển tiến Pleistocen muộn - Holocen (11000-7000 năm trước ngày nay - ntn) vào đới ven cửa vịnh Bắc Bộ ở độ sâu khoảng 60 m tiến dần vào phía nam vịnh Hạ Long (8000-7000 ntn) .

2- Biển tiến cực đại Holocen (7000-4000 ntn) vịnh Hạ Long chính thức hình thành.

3- Biển lùi Holocen giữa-muộn (4000-3000 ntn) biểu hiện dâng cao địa hình và phong hoá laterit phát triển.

4- Biển lấn (3000-2000 ntn), vịnh Hạ Long mở rộng trở lại một phần.

5- Vịnh Hạ Long thu hẹp (2000-1000 ntn) phát triển đầm lầy sú vẹt, chịu ảnh hưởng của phù sa từ hệ thống sông Hồng - Bạch Đằng.

6- Vịnh Hạ Long đã đang mở rộng (1000 năm qua) do mực nước đại dương dâng với dòng nhật triều hoạt động mạnh.

Liên quan với sự hình thành và phát triển vịnh Hạ Long, lịch sử văn hoá đã phát triển, biểu hiện văn hoá Soi Nhụ (25000-7000 ntn) ở các hang động trên vùng đảo vịnh Hạ Long - Bái Tử Long (14C : 14125± 180 ntn) phát triển hơn so với các văn hoá Hoà Bình - Bắc Sơn; văn hoá Cái Bèo (7000-5000 ntn) biểu hiện ở bờ vịnh kín gió (14C : 5645± 60 ntn); văn hoá Hạ Long (4500-3500 ntn) biểu hiện ở Tràng Kênh vùng cửa sông Bạch Đằng (14C : 3406± 100 ntn) được chia ra hai giai đoạn sớm và muộn [6, 33].

Đợt hạ thấp mực nước biển Holocen giữa-muộn ở vịnh Hạ Long để lại những ngấn sóng vỗ khắc lõm vào các vách núi đá vôi còn đọng lại các di tích hàu, hà, giun biển, ốc Meladani, v.v.. qua phân tích đồng vị 14C ở hòn Cầu Ngư trên các ngấn 3,50 m : 2280± 60; 3820± 50 ntn, 4,25 m : 3280± 60 ntn, 4,55 m : 4100± 50, 4,85 m:4990± 90 ntn, 4,90 m: 4050± 140 ntn ở gần hòn Đầu Giếng Cụt, 7,05 m : > 40.000 ntn, 7,80 m : 32.960± 680 ntn, ở Quang Hanh 5,3-5,5 m : 4420± 70, 9,10-10,1 m : > 40.000 ntn [1]. Những ngấn sóng vỗ này không những chỉ đơn thuần do mực nước biển dâng, hạ mà còn do chuyển động kiến tạo hiện đại tác động thêm.

GIÁ TRỊ VỀ TÀI NGUYÊN ĐỊA CHẤT

Tài nguyên địa chất ở vịnh Hạ Long và các vùng lân cận phong phú về chủng loại và đa dạng về nguồn gốc với những loại chính đãđang thăm dò, khai thác mà nhiều tài liệu đã nêu [7, 18, 38, 45].

Tài nguyên nhiên liệu. Bể than Quảng Ninh nổi tiếng từ lâu có tuổi Trias muộn, biến chất cao thành anthracit khai thác trên 100 năm qua với số lượng từ 2 đến 58 vỉa, dày trung bình vài mét (chùm vỉa Dày Lộ Trí: 92,2 m), có tổng tài nguyên 10 tỷ tấn, trong đó phần đã thăm dò tính trữ lượng trên 2 tỷ tấn có chất lượng cao với nhiệt lượng trung bình 8050 kcal/kg. Ngoài ra còn có khí thiên nhiên như methan, nitơ, carbonic, v. v... có nơi đạt 25-30 m3/ tấn. Lignit (than nâu) và than đá bitum có trong các bể Đệ tam vịnh Bắc Bộ, đặc biệt là võng Hà Nội thuộc châu thổ Sông Hồng qua đánh giá có đến 115 vỉa với tổng tài nguyên dự báo khoảng 250 tỷ tấn.

Dầu khí có tiềm năng lớn trong các bể Sông Hồng, Vịnh Bắc Bộ đang được điều tra và đá dầu Đồng Ho (bắc Hạ Long) đã thăm được 4.204 ngàn tấn với hàm lượng dầu 5,7-12,65%.

Tài nguyên vật liệu xây dựng. Nguyên liệu xi măng đặc biệt là đá vôi phân bố nhiều nơi, quy mô lớn, chất lượng tốt (CaO 53,85%, MgO 0,25%, Fe2O3 0,12%, v.v...), trữ lượng hàng trăm triệu tấn, với các phụ gia sét từ đá phiến phong hóa và trầm tích bở rời, đá silic hoạt tính, puzolan,v.v... Sét gạch ngói ở mỏ Giếng Đáy (Hoành Bồ) nổi tiếng về chất lượng rất tốt (SiO2 70,56%, Al2O3 14,16 %, Fe2O3 4,56%, CaO 0,15%...). Ngoài ra còn có nhiều loại đá xây dựng như đá khối, đá hộc, đá ốp lát trang trí, đá nung vôi cũng như sỏi cát thạch anh, quarzit ở vùng duyên hải và cả ngoài biển (agregat),v.v...

Nguyên liệu sứ, gốm, thuỷ tinh chịu lửa. Kaolin ở vùng này là sản phẩm phong hóa từ đá trầm tích giàu felspat của các hệ tầng Hòn Gai ( T3 n-r) Đồng Ho (E3-N), ryolit porphyr (T2a), hoặc keratophyr (D) có chất lượng tốt. Mỏ cát thủy tinh đảo Vân Hải là cát silic, độ hạt đều 0,1-0,4 mm với SiO2 99,10% có nguồn gốc biển-gió tạo thành dải cồn cát dài 3-4 km với trữ lượng trên 10 triệu tấn. Ngoài ra còn có sét chịu lửa trong trầm tích chứa than, dolomit (D2-3 , C-P), quarzit (D1-2 ), v.v...

Tài nguyên phân khoáng. Phosphorit thấm đọng trong hang động, phễu karst đá vôi (C-P) ở Hoành Bồ, dọc đường 18A và một số đảo ở vịnh Hạ Long với hàm lượng P2O5 » 8%. Than bùn trong trầm tích Holocen ở Thuỷ Nguyên, An Hải, v.v có nguồn gốc đầm lầy ven biển.

Kim loại cơ bản: một vài tụ khoáng antimon như Đồng Mỏ, Khe Chim, Dương Huy còn có arsenopyrit, fluorit, pyrit, vàng. Thuỷ ngân dưới dạng cinnabar xâm nhiễm trong đới cà nát từ đá vôi - silic ở tụ khoáng Hoành Bồ chưa rõ triển vọng.

Tài nguyên nước. Ngoài nước mặt, nước dưới đất ở duyên hải và trên một số đảo, nước khoáng Quang Hanh có nhiều mạch xuất lộ gần mực nước triều dâng, cũng như ở lỗ khoan thuộc loại nước khoáng brom, nóng vừa (25-450C) kiểu hóa học clorur natri, khoáng hóa cao (mg/l: Br = 20,5-49, H4SiO4 = 22, Sr = 4,2 pH= 7,4, v.v..), trong, không mùi, vị mặn với tổng độ khoáng hoá bằng 2,7 g/l.

Ngoài ra, vịnh Hạ Long còn có những giá trị về tài nguyên môi trường như cảnh quan, cộng đồng đân cư, hoàn lưu dòng nhật triều với biên độ lớn, đa dạng sinh học của các hệ sinh thái các đảo, vịnh đáy cứng, đáy mềm, rạn san hô, rừng ngập mặn, di chỉ văn hóa khảo cổ, v..v.. nhưng có lẽ hấp dẫn nhất vẫn là tài nguyên du lịch.

Tóm lại, vịnh Hạ Long đã được quốc tế công nhận qua việc UNESCO ghi vào danh mục Di sản Thế giới với giá trị thẩm mỹ là một tác phẩm thiên nhiên hoành tráng và huyền ảo và được đăng quang tiếp lần thứ 2 về giá trị địa chất lịch sử, đặc biệt là địa mạo karst đá vôi, hang động trong bối cảnh đất-trời-biển trở thành một thắng cảnh độc nhất vô nhị trên thế giới.

Để Di sản Thế giới vịnh Hạ Long được phát triển bền vững, chúng ta hãy cùng nhau giữ gìn và hạn chế tối đa những nguy cơ do tác động môi trường gây ra như sự bồi lấp xuống vịnh các chất thải rắn do khai thác than, vật liệu xây dựng, v. v... gây ra, nước thải đô thị và từ các mỏ đang khai thác, hoạt động hàng hải, cảng, chặt phá rừng ngập mặn, công nghiệp du lịch .v..v... để bảo vệ những giá trị ngoại hạng, nổi bật toàn cầu cho lợi ích của toàn nhân loại.

Cuối cùng tập thể tác giả xin tỏ lòng cám ơn UNESCO Việt Nam, Ban Quản lý vịnh Hạ Long đã tạo điều kiện để tham khảo các tài liệu liên quan và GS Tống Duy Thanh, GS Vũ Khúc đã góp nhiều ý kiến quý báu cho bài báo này

VĂN LIỆU

  1. Doãn Đình Lâm, Boyd W. E., 2002. Tài liệu về đợt hạ thấp mực nước biển trong Holocen giữa - muộn ở vịnh Hạ Long, TC Địa chất, A/270 : 1-7. Hà Nội.
  2. Đinh Văn Huy và Trần Đức Thạnh, 1995. Về sự hình thành của đảo Cát Hải. Những phát hiện mới Khảo cổ học, 1985 : 18-21. Hà Nội.
  3. Đoàn Nhật Trưởng, Tạ Hoà Phương, Nguyễn Minh Phương, 2003. Về việc phân chia địa tầng các trầm tích Devon muộn và Carbon sớm ở vùng duyên hải Đông Bắc Bộ. TC Địa chất, A/276 : 1-9. Hà Nội.
  4. Đovjikov A. E. (Chủ biên), 1965. Geologijia Severnogo Vietnama. Objasnitelnaja zapiska k geologitcheskoi karte Severnovo Vietnama GGU, Hanoi, 665 tr. (tiếng Nga).
  5. Đỗ Tuyết, Hoàng Hữu Quý, Lâm Thanh, Trần Văn Trị, Phạm Khả Tuỳ, Nguyễn Đěnh Uy, 1976. Về sự có mặt các thềm biển ở đảo Bạch Long Vĩ. TC Địa chất, 127 : 15-17, Hà Nội.
  6. Hà Hữu Nga, Nguyễn Văn Hảo, 1998. Hạ Long thời tiền sử. Nxb Thế Giới. Hà Nội, 319 tr.
  7. Hoàng Ngọc Kỷ (Chủ biên), 2001. Địa chất và khoáng sản tờ Hải Phòng, tỷ lệ 1: 200 000. Cục ĐCvŕ KS Việt Nam. Hà Nội, 90 tr.
  8. Janvier P., Racheboeuf P., Nguyễn Hữu Hùng, Đoŕn Nhật Trưởng, 2003. Devonian fish (Placodermi, Antiarcha) from Trà Bàn Island (Bái Tử Long Bay, Quảng Ninh Province, Việt Nam) and the question of the age of the Đồ Sơn Formation. J. Asian Earth Sciences, 21 : 795-801. Pergamon.
  9. Đức An, 1972. Phương pháp luận thành lập bản đồ địa mạo Bắc Việt Nam trên cơ sở phân tích kiến trúc hình thái và chạm trổ hình thái. TT Luận án PTS khoa học địa lý. Moskva 22 tr. (tiếng Nga).
  10. Đức An, 1996. Về dao động mực nước biển ở thềm lục địa ven bờ Việt Nam trong Holocen. TC Khoa học Trái đất, 18/4 : 365-367. Hà Nội.
  11. Li Z. X., Li X. H, Wang J., Evans D. A. D., Kinny P. D., Zhang S., Zhou H., and Ling W., 2001. South China in Rodinia – An update. Gondwana Research, 4 / 4 : 685-686.
  12. Long J. A., Burrett C., Phạm Kim Ngân, Janvier P., 1990. A new bothriolepid antiarch (Pisces, Placodermi) from the Devonian of Do Son peninsula, northern Việt Nam. Alcheringa 14 : 181-191.
  13. Ngô Quang Toàn (Chủ biên), 2000. Vỏ phong hoá và trầm tích Đệ tứ Việt Nam. Cục ĐC & KS Việt Nam. Hà Nội. 269 tr.
  14. Nguyễn Biểu, Trịnh Thanh Minh, Nguyễn Chung Hoạt, Hoàng Văn Thức, Nguyễn Tiến Cường, Lê Việt Nam, 1999. Cấu trúc địa chất vùng biển Hải Phòng - Quảng Ninh. Tóm tắt BCKH HNKHCN biển IV, II : 755-766. Hà Nội.
  15. Nguyễn Cẩn, Nguyển Đěnh Hoè, Trần Đức Thạnh, Nguyễn Đức Cự, Nguyễn Hữu Cư, Nguyễn Chu Hồi, 1994. Hoạt động đứt gãy hiện đại vùng Hải Phòng - Quảng Yên. Tài nguyên và môi trường biển, II : 54-60, Nxb KH&KT. Hà Nội.
  16. Nguyễn Chí Hưởng, Đặng Trần Huyên, 1990. Cổ sinh và địa tầng bể than Quảng Ninh. Địa chất và Khoáng sản, 3 : 167-180. Viện ĐC & KS. Hà Nội.
  17. Nguyễn Công Lượng (Chủ biên), 2001. Địa chất và khoáng sản tờ Hạ Long, tỷ lệ 1: 200 000 (Hòn Gai). Cục ĐC & KS Việt Nam. Hà Nội. 64 tr.
  18. Nguyễn Công Lượng (Chủ biên), 2001. Địa chất và khoáng sản tờ Móng Cái, tỷ lệ 1:200 000. Cục ĐC & KS Việt Nam. Hà Nội. 60.tr.
  19. Nguyễn Địch Dỹ, Mai Thanh Tân, 1996. Vài nét về địa chất - địa mạo bờ biển Việt Nam. Địa chất tài nguyên, I : 278-283. Viện Địa chất, Hà Nội.
  20. Nguyễn Huy Mạc, Phạm Thế Hiện, 1972. Một số vấn đề địa chất ở quần đảo Cô Tô và lân cận trong vịnh Bắc Bộ. TS Sinh vật - Địa học, XI / 4 : 37-42. Hà Nội.
  21. Nguyễn Ngọc, 1998. Stratigraphy and development history of the Northwestern Island system of the Bắc Bộ gulf. Contribution to marine geology and geophysics. IV : 38-51. Sci. Techn. Publ. House, Hà Nội
  22. Nguyễn Thế Tiệp, Phạm Tuấn Huy, Trần Xuân Lợi, Nguyễn Quốc Hưng, Vũ Thị Thu Hoài, Lê Đěnh Nam, 2003. Đặc điểm địa mạo đáy vịnh Bắc Bộ. TT CTNC Địa chất & Địa vật lý biển, VII : 15-28. Hà Nội.
  23. Nguyễn Thị Kim Thoa, Ellwood B.B., Phạm Kim Ngân, Vũ Hồng Nam, Lưu Thị Phương Lan, 2002. Sử dụng số liệu đo độ từ cảm xác định ranh giới Devon - Carbon trên các đá trầm tích tại đảo Cát Bà và Núi Voi (Kiến An). TC Các khoa học về Trái đất, 27/1 : 56-66. Hà Nội.
  24. Nguyễn Văn Giáp, Phùng Văn Phách, 2000. Đặc điểm cấu trúc và địa động lực của các hệ đứt gãy ven rìa khu vực vịnh Bắc Bộ, Việt Nam. Tuyển tập CTNC Địa chất & Địa vật lý biển IV : 123-131. Nxb KH & KT, Hà Nội.
  25. Nguyễn Văn Liêm, 1985. Paleozoi thượng ở Việt Nam. Nxb KH&KT, Hà Nội, 532 tr.
  26. Phạm Năng Vũ, 2000. Quá trình biến dạng của đới đứt gãy Sông Hồng trong Kainozoi. TC Các khoa học về Trái đất, 22/4 : 278-289. Hà Nội.
  27. Phạm Quang Trung, Đỗ Bạt, Nguyễn Quốc An, Đặng Vũ Khởi, Đỗ Việt Hiếu, Nguyễn Địch Dỹ, 2000. New Palynologic discoveries in Tertiary sediments in Northern Sông Hồng Basin and adjacent areas. Geology & Petroleum in Việt Nam : 68-81. Việt Nam Oil & Gas Corp. Ha Noi
  28. Phạm Văn Quang, 1973. Cấu trúc địa chất chủ yếu của bể than Đông Bắc Bắc Bộ. TS Sinh vật - Địa học, XI/3-4 : 73-90. Hà Nội.
  29. Phan Trung Điền, Nguyễn Huy Quý, Phạm Văn Tiêm, Phùng Sỹ Tài, Claus Andersen, Lars H. Nielsen, 2000. Basin analysis and petroleum system of the Sông Hồng basin. Geology & Petroleum in Việt Nam : 44-67. Việt Nam Oil & Gas Corp. Hà Nội.
  30. Rangin C., Klein M., Roques D., Le Pichon X., Lê Văn Trương, 1995. The Red River fault system in the Tonkin Gulf, Việt Nam. Tectonophysics, 243 : 209-222
  31. Tong Dzuy Thanh, Boucot A. J., Rong J. Yu., Pang Z. J, 2001. Late Silurian marine shelly fauna of Central and Northern Việt Nam. GEOBIOS, 34/3 : 315-338.
  32. Trần Đức Thạnh, Waltham T., 2001. The outstanding value of geology of Hạ Long bay. Advance in Natural Sciences, 2-3 : 89-99.
  33. Trần Đức Thạnh, 1998. Lịch sử địa chất vịnh Hạ Long, Nxb Thế Giới, BQL vịnh Hạ Long, Hà Nội, 94 tr.
  34. Trần Nghi, Chu Văn Ngợi, Đinh Xuân Thành, Nguyễn Đěnh Nguyên, 2000. Tiến hoá trầm tích Kainozoi bồn trũng Sông Hồng trong mối quan hệ với hoạt động kiến tạo. TC Các khoa học về Trái đất 22/4 : 290-305. Hà Nội.
  35. Trần Ngọc Nam, Toriumi M., Sano Y., Tereda K., T. T. Thắng , 2003. 2.9, 2.36 and 1.96 Ga zircon in orthogneiss south of the Red River shear zone in Việt Nam: Evidence from SHRIMP U-Pb dating and tectonothermal implications. J. Asian Earth Sciences 21 : 734-753. Pergamon.
  36. Trần Văn Trị, Nguyễn Đěnh Uy, Trần Đěnh Nhân, Đỗ Tuyết, 1972. Tài liệu mới về cấu tạo địa chất quần đảo Cô Tô. Địa chất, 105 : 1-4. Hà Nội.
  37. Trần Văn Trị, Nguyễn Đình Uy, Đỗ Tuyết, Hoàng Hữu Quý, Lâm Thanh, Phạm Khả Tuỳ, 1977. Địa chất đảo Bạch Long Vĩ. Địa chất, 132 : 1-11. Hà Nội.
  38. Trần Văn Trị (Chủ biên), 2000. Tài nguyên khoáng sản Việt Nam. Cục ĐC & KS VN. Hà Nội. 214 tr.
  39. Trịnh Dánh, 1998. Biostratigraphy, biofacies and paleogeography of the Neogene sequences in Việt Nam. J. Geology, B/11-12 : 123-135. Hà Nội.
  40. Vũ Khúc (Chủ biên), 2000. Sách tra cứu các phân vị địa chất Việt Nam. Cục ĐC & KS VN. Hà Nội, 430 tr.
  41. Waltham T., 1998. Limestone karst of Hạ Long Bay, Việt Nam. Engineering Geology Rep. 806 : 1-14. Nottingham Trent University, London.
  42. Zeiller R., 1903. Sur la flore fossile des gites de charbon du Tonkin. Etude des gites minéraux de la France, I : 328 p. Paris.
  43. Zhang Boyou, Zhang Haixiang, Chen Guiping, Yang Shufeng and Chen Hanlin, 2001. Evidence for the Paleo-Tethyan tectonic belt in Western Guangdong and Eastern Guangxi, China. Gondwana Research, 4/4 : 839.
  44. TÀI LIỆU LƯU TRỮ

  45. Lại Huy Anh (Chủ biên), 1999. Đặc điểm địa chất, địa mạo phục vụ quy hoạch phát triển du lịch khu vực vịnh Hạ Long - Cát Bà. Lưu trữ, Viện Địa lý, Trung tâm KHTN&CNQG. Hà Nội.
  46. Ngô Quang Toàn (Chủ biên), 1995. Địa chất và khoáng sản thành phố Hải Phòng, 1/50 000. Lưu trữ Địa chất, Viện TTLTBT Địa chất. Hà Nội.
  47. Phạm Kim Ngân (Chủ biên), 2001. Nghiên cứu cổ sinh địa tầng và tướng đá cổ địa lý các trầm tích Devon thượng - Carbon hạ Bắc Việt Nam. Lưu trữ Địa chất, Viện TTLTBT Địa chất. Hà Nội.