4.2.2. Tiến hoá địa mạo của khu vực

Sau quá trình tích tụ các trầm tích màu đỏ của hệ tầng Mụ Giạ vào Creta, vùng Phong Nha - Kẻ Bàng được nâng lên và sau đó, quá trình chủ yếu là bóc mòn. Tính "nhịp" của các chuyển động tân kiến tạo kết hợp với tính chu kỳ của dao động mực nước đại dương thế giới đã dẫn tới sự đa dạng của các bậc địa hình và hang động.

Hoạt động san bằng địa hình mạnh mẽ toàn lãnh thổ vào cuối Eocen đã dẫn tới hình thành bề mặt bán bình nguyên rộng lớn, nay còn được bảo tồn d­ưới dạng sót trên các đỉnh cao 1200-1600 m. Các chuyển động tân kiến tạo của khu vực có lẽ xảy ra vào cuối Paleogen - đầu Miocen đã dẫn tới sự phân cắt mạnh mẽ bề mặt bán bình nguyên. Giai đoạn mở đầu cho quá trình karst mà ngày nay còn được bảo tồn có lẽ là Miocen giữa - muộn. Các hoạt động kiến tạo mạnh mẽ xen với các thời kỳ yên tĩnh t­ơng đối trong Pliocen đã góp phần hình thành các bề mặt san bằng nay là di tích các đỉnh cao 400-600 m và 200-300m ở phần rìa của khối đá vôi.

Trong giai đoạn Đệ tứ, các chu kỳ biển tiến, biển thoái xảy ra vào cuối Pleistocen sớm, Pleistocen giữa, Pleistocen muộn, Holocen giữa kết hợp với hoạt động nâng tân kiến tạo đã tạo nên các bậc hang động hiện phân bố trên các độ cao khác nhau. Đáng chú ý là ở phần rìa đông khối đá vôi Phong Nha, quá trình karst hoá xảy ra vào thời kỳ biển thoái cuối Pleistocen giữa đã tạo nên một bề mặt đồng bằng karst ven rìa khá rộng, tuy nhiên một phần lớn diện tích của bề mặt này đã bị phủ bởi trầm tích hỗn hợp sông - biển của thời kỳ biển tiến cuối Pleistocen muộn. Mối quan hệ này cụ thể như­ thế nào ở khu vực Phong Nha - Kẻ Bàng cần phải tiếp tục nghiên cứu để làm sáng tỏ.