3.4.1. Cấu trúc uốn nếp

Vùng nghiên cứu thuộc đới tướng - cấu trúc Trường Sơn có phức nếp lồi Trường Sơn chạy theo phương TB-ĐN. Phức nếp lồi cơ bản được hình thành do một pha uốn nếp vào cuối Devon muộn - đầu Carbon sớm, sau đó bị phức tạp hoá bởi các hoạt động đứt gãy. Nhân của phức nếp lồi là các trầm tích cổ nhất của đới Trường Sơn, cánh của nó được tạo bởi các trầm tích Devon - Carbon. Ngoài ra, trong vùng nghiên cứu còn có một số nếp lồi, nếp lõm lớn ở Trung Thuần và một số trũng chậu khác. D­ưới đây là một số nếp uốn tiêu biểu.

a. Nếp lồi dạng vòm Đồng Hới: có dạng elip với chiều dài 10-20 km, rộng 5-8 km. Nhân của nếp lồi là các trầm tích thuộc phần d­ới hệ tầng A V­ương. Cánh là các trầm tích thuộc phần trên hệ tầng A Vư­ơng. Góc dốc của cánh thoải 25-30o, trục nếp uốn kéo dài theo phương TB-ĐN. Phần trung tâm nếp lồi bị khối granit Đồng Hới xuyên cắt.

b. Nếp lồi Đại Đủ: có dạng cánh cung, cong đều, lưng quay về phía bắc. Chiều dài nếp lồi khoảng 20-25 km, rộng 6-7 km, kéo dài từ làng Tróc lên Đại Đủ đến Cha Cung. Nhân của nếp lồi là các trầm tích thuộc hệ tầng Rào Chan (D1) hai cánh là trầm tích thuộc hệ tầng Bản Giàng (D2e) và hệ tầng Mục Bãi (D2g). Trục nếp lồi có dạng cánh cung, cánh phía bắc có góc dốc 60-65o, cánh phía nam dốc 70-75o, trục chúc dần về phía tây để rồi chuyển thành nếp lõm Thác Dài - Marai.

c. Nếp lồi Si Th­ượng: có chiều dài 20 km, rộng 1-5 km, đầu nút phía tây bắc phình to và phức tạp, đầu nút phía tây nam thót nhỏ và đơn giản hơn. Nhân của nếp lồi các đá trầm tích thuộc hệ tầng Rào Chan (D1), hai cánh là trầm tích của hệ tầng Bản Giàng (D2e). Cánh phía tây bắc có góc dốc 54-50o, cánh tây nam bị các đứt gãy cắt xén, có góc dốc thay đổi từ 55-60 đến 70-80o. Trục của nếp lồi dạng cánh cung quay lưng về phía tây nam, để cùng với nếp lồi Đại Đủ tạo nên nếp lõm Thác Dài - Marai.

d. Nếp lồi Đông Phư­ờng: kéo dài 20-30 km, rộng 2-4 km. Nhân của nếp lồi là các trầm tích của hệ tầng Bản Giàng (D2e), cánh là các trầm tích thuộc hệ tầng Mục Bãi (D2g). Trục của nếp lồi có phương TB-ĐN ở phần trung tâm bị oằn do tác động của đứt gãy. Cánh đông bắc có góc dốc 50-60o, cánh đông nam khoảng 65-70o.

e. Nếp lồi Cao Mại: có chiều dài 25-30 km, rộng 2-3 km. Nhân là các trầm tích tuổi Eifel, hai cánh là trầm tích tuổi Givet. Trục của nếp uốn tương đối mềm mại, kéo dài theo phương vĩ tuyến. Cánh phía nam có góc dốc 60-70o, cánh phía bắc dốc 45-50o, sau đó tham gia vào nếp lõm Rào Nậy.

f. Nếp lồi Cát Đằng: kéo dài từ La Trọng đến Cát Đằng với chiều dài 15-20 km, rộng 2-3 km. Trục của nếp uốn có phương TB-ĐN nh­ng bị oằn ở vùng A Vi. Nhân của nếp lồi là các đá trầm tích của hệ tầng Rào Chan (D1 rc), hai cánh là các trầm tích thuộc hệ tầng Mục Bãi (D2g mb). Cánh đông bắc có góc dốc 50-55o, cánh tây nam bị vò nhàu, uốn nếp mạnh, có thể nằm đảo với góc dốc 60-65o.

g. Nếp lõm dạng địa hào Rào Nậy: kéo dài 70-100 km, rộng 3-5 km. Trục nếp lõm có dạng cánh cung, lưng quay về phía tây nam, chúc về phía đông nam rồi các trầm tích Kainozoi phủ lên. Nhân của nếp lõm là các trầm tích Famen, cánh là các trầm tích Frasni thuộc hệ tầng Động Thờ và trầm tích Givet của hệ tầng Mục Bãi. Cánh phía tây nam có góc dốc thay đổi từ 60 đến 75o, cánh phía đông bắc có góc dốc 70-80o. Phủ bất chỉnh hợp lên nếp lõm này là các trầm tích của hệ tầng La Khê (C1), và hệ tầng Bắc Sơn (C2-P1), có thế nằm thoải.

h. Nếp lõm Quy Đạt: có dạng elip bị uốn cong, lưng quay về phía tây nam. Chiều dài nếp lõm khoảng 20-25 km, rộng 3-4 km. Nếp lõm này nằm giữa 2 nếp lồi Sĩ Th­ượng và Cao Mại, phía đông bắc của nếp lõm là nếp lồi Đông Phương. Nhân là các trầm tích Famen thuộc hệ tầng Cát Đằng, cánh là các trầm tích của hệ tầng Động Thờ và hệ tầng Mục Bãi. Trục của nếp lõm có dạng cánh cung lưng quay về phía tây nam, cánh đông bắc có góc dốc 60-65o, cánh tây nam dốc 50-55o.

i. Nếp lõm Phong Nha: kéo dài từ Đư­ờng 20 lên Bãi Dinh sang Thác Dài, vư­ợt ra ngoài phạm vi nghiên cứu. Nhân của nếp lõm là các trầm tích của hệ tầng Bắc Sơn, cánh là các trầm tích thuộc hệ tầng Động Thờ và hệ tầng Mục Bãi. Trục nếp lõm có dạng cánh cung, lưng quay về phía tây nam. Cánh có góc dốc thay đổi từ 45 đến 70o. Nếp lõm bị các đứt gãy làm phức tạp, tạo nên cấu trúc khối tảng.

k. Nếp lõm Thác Dài - Ma Rai: kéo từ Thác Dài đến núi Ma Rai, có chiều dài 15-20 km, rộng 5-6km. Nhân của nếp lồi gồm đá vôi của hệ tầng Bắc Sơn, cánh là các trầm tích thuộc hệ tầng La Khê. Cánh phía tây có góc dốc 20-30o, cánh phía đông bắc bị các đứt gãy cắt xén.

l. Nếp lõm Trung Thuần: kéo từ Trung Thuần lên núi Ong Na v­ợt ra khỏi phạm vi nghiên cứu với chiều dài 45-50 km, rộng 22-25km. Nhân của nếp lõm là các trầm tích thuộc phần trên hệ tầng Đồng Trầu, cánh là các trầm tích của phần dư­ới hệ tầng Đồng Trầu. Hai cánh của nếp lõm có góc dốc 50-60o, trục hơi chếch về phía bắc, phần phía đông của nếp uốn bị phủ bởi các trầm tích Đệ tứ.