HOẠT ĐỘNG IGCP Ở VIỆT NAM NĂM 2009
VÀ DỰ KIẾN KẾ HOẠCH IGCP TRONG NĂM 2010


Ủy ban Quốc gia Chương trình Khoa học Địa chất Quốc tế Việt Nam (IGCP Việt Nam) gồm các nhà khoa học địa chất Việt Nam, báo cáo công tác IGCP Việt Nam trong năm 2009 và phương hướng hoạt động năm 2010 như sau:

I. CÔNG TÁC IGCP VIỆT NAM TRONG NĂM 2009

Trong năm 2009, một số nhà khoa học địa chất Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, Trung tâm Điều tra Tài nguyên nước (thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường), Viện Tài nguyên và Môi trường Biển, Viện Địa chất và Địa vật lý Biển, Viện Địa chất (thuộc Viện Khoa học và Công Nghệ Việt Nam), Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Mỏ - Địa chất (thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo), Tổng hội Địa chất Việt Nam tham đã gia vào các hoạt động IGCP như sau:

1. Tham gia 7 đề án khoa học IGCP:

1. Đề án IGCP 506: Địa chất Jura biển và lục địa.

2. Đề án IGCP 507: Cổ khí hậu kỷ Creta Châu Á và liên kết toàn cầu.

3. Đề án IGCP 509: Các siêu lục địa Paleoproterozoi và tiến hóa toàn cầu.

4. Đề án IGCP 513: Các tầng chứa nước Karst và tài nguyên nước.

5. Đề án IGCP 516: Giải phẫu địa chất ở Đông và Đông Nam Á.

6. Đề án IGCP 524: Va chạm cung - lục địa.

7. Đề án IGCP 526: Tài nguyên rủi ro và ghi nhận quá khứ trên thềm lục địa.

Với những mức độ khác nhau, các tổ công tác các đề án trên đã tham gia các báo cáo khoa học, hoặc dự hội thảo, trao đổi khoa học liên quan.

2. Tham gia các hoạt động khoa học Trái đất:

1. Tham gia Năm Quốc tế Hành tinh Trái đất:

Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định thành lập Ủy ban chỉ đạo Quốc gia, do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì có sự tham gia phối hợp của các bộ ngành liên quan trong đó Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam là cơ quan thường trực thực hiện việc tuyên truyền, quảng bá đưa khoa học Trái đất phục vụ xã hội.

Nhằm hưởng ứng chủ trương này, Ủy ban Quốc gia IGCP Việt Nam đã đề xuất và thực hiện việc biên soạn Chuyên khảo “Địa chất và tài nguyên Việt Nam” 595 trang do Nhà xuất bản Khoa học tự nhiên và Công nghệ xuất bản năm 2009. IGCP Việt Nam cũng đã tham gia tích cực vào chương trình Năm quốc tế Hành tinh Trái đất qua việc viết bài đăng trong Tạp chí Địa chất gồm các lĩnh vực y học địa chất, tai biến địa chất, địa chất môi trường, tài nguyên Trái đất, v.v… ở Việt Nam nhằm phục vụ cộng đồng theo các tiêu chí khoa học, giáo dục, văn hóa liên quan với khoa học Trái đất.

Đoàn đại biểu Việt Nam (1 đại diện Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, IGCP Việt Nam và 2 sinh viên) đã được mời tham dự Hội nghị Tổng kết Năm Quốc tế Hành tinh Trái đất ỏ Lisbon (tháng 11 năm 2009) cũng đã giới thiệu các xuất bản phẩm nêu trên.

2. Tham gia 3 Hội thảo quốc tế về Khoa học Trái đất ở Việt Nam:

- Hội thảo quốc tế về Nguy cơ động đất ở Việt Nam tổ chức tại Hà Nội (tháng 9/2009)

- Hội thảo quốc tế về Địa chất Gondwana - Châu Á, Hà Nội (tháng 10/2009)

- Hội thảo quốc tế về Đới đứt gãy sông Hồng và kiến tạo Bắc Việt Nam (tháng 11/2009)

II. DỰ KIẾN KẾ HOẠCH CÔNG TÁC IGCP VIỆT NAM NĂM 2010

Năm 2010, IGCP Việt Nam dự kiến kế hoạch công tác như sau:

1. Tiếp tục tham gia 3 đề án IGCP kéo dài từ năm 2009 sang:

Các Đề án IGCP 507, 513, 526

2. Đề xuất tham gia 10 đề án IGCP mới:

1. Đề án IGCP 540: Các dung dịch thủy nhiệt chứa vàng thuộc các tụ khoáng sinh quặng.

2. Đề án IGCP 555: Sự thay đổi nhanh về khí hậu và môi trường trong Thế giới Nhà kính Creta.

3. Đề án IGCP 559: Kiến trúc vỏ và tiến hóa cảnh quan.

4. Đề án IGCP 571: Radon, sức khỏe và thiên tai.

5. Đề án IGCP 572: Hệ sinh thái Permi-Trias.

6. Đề án IGCP 574: Các đai tạo núi uốn cong và các dải lục địa.

7. Đề án IGCP 581: Tiến hóa các hệ sông Châu Á.

8. Đề án IGCP 582: Các sông nhiệt đới : các quá trình thuỷ lực nhiệt đới

9. Đề án 585: EMARSHAL: Các rìa lục địa Trái đất: đánh giá tai biến địa chất từ trượt đất dưới biển.

10. Dự phòng về sự thay đổi đới bờ biển.

3. Tham gia các hoạt động khoa học Trái đất:

1. Tiếp tục tham gia tổng kết Năm Quốc tế Hành tinh Trái đất (2010)

2. Tham gia hoạt động chương trình quốc tế Một Địa chất (2010-2012)

3. Tham gia các Hội thảo quốc gia về Địa chất và Khoáng sản (tháng 5/2010), về Dầu khí (9/2010), 65 năm ngành Địa chất Việt Nam (10/2010). Giảm nhẹ tai biến và thảm họa địa chấn ở Châu Á(11/2010) .

4. Tham gia bổ sung, chỉnh lý và biên dịch sang tiếng Anh Chuyên khảo Địa chất và Tài nguyên Việt Nam.

5. Tham gia viết bài cho các Tạp chí Địa chất, Các khoa học về Trái đất, Dầu khí, v.v…

6. Tham gia Ủy ban bản đồ địa chất Thế giới, Tiểu ban Châu Á.

Ủy ban Quốc gia IGCP Việt Nam giới thiệu công tác IGCP Việt Nam trong năm 2009 và phương hướng hoạt động năm 2010 để  Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Bộ Tài Nguyên và Môi trường, Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam tổng hợp và quản lý và các nhà địa chất tham gia.


 

Ủy ban Quốc gia IGCP VN