PHÁT HIỆN MỚI HOÁ THẠCH CÚC ĐÁ TRONG HỆ TẦNG
 NÀ QUẢN Ở CAO BẰNG

PHẠM ĐÌNH TRƯỞNG, HOÀNG BÁ QUYẾT

Đoàn 50A, Liên đoàn BĐĐC Miền Bắc, Long Biên, Hà Nội


Hệ tầng Nà Quản đã được biết đến trong nhiều công trình nghiên cứu dưới các tên gọi: “tầng Nà Quản”, Dương Xuân Hảo [1968]; “điệp Nà Quản”, Dương Xuân Hảo [1973, 1980], Phạm Đình Long [1974], Tống Duy Thanh [1979, 1986, 1988, 2000]. Mặt cắt chuẩn của hệ tầng được nghiên cứu từ Nà Quản đi Bằng Ca, huyện Hạ Lang, tỉnh Cao Bằng .

Trong cấu trúc Hạ Lang, hệ tầng Nà Quản phân bố khá rộng rãi, với thành phần thạch học đặc trưng bởi các đá vôi vi hạt màu xám, đá vôi sét màu xám đen, đá vôi silic phân lớp trung bình xen ít lớp mỏng silic sét. Hệ tầng nằm chỉnh hợp trên các trầm tích lục nguyên của hệ tầng Mia Lé (D1  ml), còn về phía trên hệ tầng chuyển tiếp liên tục lên các lớp đá vôi màu xám trắng, phân lớp dày đến dạng khối, của hệ tầng Bản Cỏng (D2gv bc). Trong hệ tầng đã phát hiện được nhiều di tích hoá thạch San hô lỗ tầng, San hô vách đáy, San hô bốn tia và Bút đá. Trong quá trình đo vẽ lập bản đồ địa chất và điều tra khoáng sản tỷ lệ 1:50.000 nhóm tờ Lạng Sơn, lần đầu tiên chúng tôi đã phát hiện được 2 điểm hoá thạch Cúc đá ở phần giữa của hệ tầng.

Tại vết lộ L.9606/1 có toạ độ địa lý: X = 22037’24’’; Y = 106039’30’’ thu thập được trong một lớp vôi sét dày 7 cm xen trong vôi silic các di tích của một Cúc đá có đường kính 1-3,5 cm, cuộn chặt, gờ tô điểm rõ, được bảo tồn tốt (Ảnh 1). Kết quả xác định của TS. Nguyễn Hữu Hùng, Phòng Cổ sinh Địa tầng thuộc Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản là Erbenoceras sp. indet. thuộc thượng bộ Dạng Cúc đá (Ammonoidea), tuổi Emsi muộn - Eifel sớm (D1-D2e). Dạng Cúc đá này đã được tìm thấy trong hệ tầng Huổi Nhị ở vùng Tây Trang [Phan Sơn và nnk., 1978].


           

Ảnh 1

            Ảnh 2                                      Ảnh 3

 


Tại vết lộ L.11006 có tọa độ địa lý: X = 22034’35”; Y = 106034’49” cũng thu thập được hóa thạch Dạng Cúc đá trong đá vôi sét màu xám đen phân lớp trung bình, dày 0,1 m xen trong đá vôi silic. Hoá thạch có đường kính 1,5-5,0 cm, có đặc điểm đặc trưng cuộn chặt, gờ tô điểm rõ và thưa hơn ở hóa thạch trước, được bảo tồn tốt dễ xác định (Ảnh 2, 3). Kết quả xác định của GS Vũ Khúc là Progonioclymenia sp. tuổi Devon sớm-giữa.

 Việc phát hiện các hoá thạch Cúc đá trong hệ tầng Nà Quản ở đới cấu trúc Hạ Lang đã góp phần khẳng định hệ tầng Nà Quản là phân vị chứa phong phú các di tích hóa thạch động vật: San hô, Bút đá và Cúc đá. Đây là phát hiện mới có ý nghĩa và giá trị khoa học, góp phần làm phong phú thêm những sưu tập hoá thạch trong hệ tầng để có thể khẳng định thêm tuổi của hệ tầng.