TRẦM TÍCH ĐEVON Ở ĐỚI QUẢNG NINH

NGUYỄN HỮU HÙNG1, TẠ HOÀ PHƯƠNG2, NGUYỄN THỊ THUỶ1

1Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, Thanh Xuân, Hà Nội
2Đại học Khoa học Tự nhiên, Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội

(Tiếp theo Tạp chí Địa chất số A/302 - 2007)


 

c. Hệ tầng Đồ Sơn (D2gv đs)

Hệ tầng Đồ Sơn được mô tả dưới đây gồm các tập cuội kết, sạn kết, cát kết phân lớp xiên, cát kết dạng quarzit chứa hoá thạch cá cổ Bothriolepis và thực vật Lepidodendropsis, đặc trưng cho các thành tạo sông, suối và tam giác châu. Mặt cắt bờ tây nam bán đảo Đồ Sơn, đoạn từ sườn tây nam núi Đồ Sơn qua Khách sạn Hoá chất đến bến cá Vạn Hương (Hình 2.4) được chọn làm mặt cắt bổ trợ (hypostratotyp) cho hệ tầng.

Tập 1. Cuội kết, sạn kết xen với cát kết phân lớp xiên, sáng màu. Thành phần hạt cuội chủ yếu là thạch anh màu trắng đục, cát kết quarzit màu hồng nhạt, đá silic màu đen, bột kết màu xám xanh, đường kính 1-2 cm, độ mài tròn tốt. Xi măng chủ yếu là cát kết sáng màu, đã bị quarzit hoá. Tập cuội kết này phủ không chỉnh hợp trên đá phiến sét đen, phong hoá có màu tím gụ của hệ tầng Vạn Cảnh. Bề dày ~ 10 m.

Tập 2. Cát kết quarzit màu trắng đục, phân lớp dày 0,5-1 m. Đá có thế nằm thoải, góc dốc trung bình 10o, cắm về N-TN. Trong cát kết sáng màu, tại điểm lộ F.594b ở sườn tây nam núi Đồ Sơn, đã phát hiện được nhiều di tích thực vật Lepidodendropsis và các bông bào tử. Theo phương đông nam, tập cát kết này kéo dài đến bến Vạn Hương, tới sát mép nước biển. Đây cũng là điểm lộ chứa nhiều hoá thạch thực vật Lepidodendropsis được nhiều nhà địa chất biết đến. Xa hơn nữa về phía đông nam, dưới chân đồi “Biệt thự Bảo Đại” khoảng 100 m về phía tây, P. Janvier và nnk. [6], J. Long và nnk. [9] đã thu thập được các di tích cá cổ cho tuổi D2gv - D3 gồm Bothriolepis sp., Vietnamaspis trii, Briagalepis. Bề dày chung của hệ tầng ở mặt cắt này ~ 75 m.

 Ở Nam Thôn và Ngọc Xuyên cũng thấy được các lớp cuội, sạn kết xen trong cát kết phân lớp xiên, cát kết sáng màu, phân lớp dày, có bề dày không lớn (15-20 m); chúng nằm ở vị trí trên cao của mặt cắt, không chỉnh hợp trên hệ tầng Vạn Cảnh.

Cũng trong tập 2 của hệ tầng, tại sườn núi sau Khách sạn Ngân hàng, đoạn giữa chợ Đồ Sơn và UBND Quận Đồ Sơn, Tống Duy Thanh và nnk. [21] đã phát hiện được hoá thạch Chân rìu cho tuổi Givet: Schizodus (?) sp., Ptychopteria (Actinopteria) hunanensis, Goniopora sp. (xác định của Fang Zhong-Jie, Viện Địa chất và Cổ sinh Nam Kinh, Trung Quốc.

Trong các vùng Kinh Môn và Thuỷ Nguyên (Hình 2), hệ tầng Đồ Sơn thường có vị trí địa tầng nằm trên hệ tầng Dưỡng Động và chỉnh hợp dưới đá vôi của hệ tầng Tràng Kênh. Tại mặt cắt trên đỉnh núi Yên Phụ, sau cổng vào chùa Yên Phụ (F. 567; x = 21o00'16''B; y = 106o 29'36'' Đ), lộ ra các lớp sạn kết, cát kết bị quarzit hoá sáng màu nằm không chỉnh hợp? trên bột kết, đá phiến sét màu tím gụ của hệ tầng Dưỡng Động. Trong vùng Lỗ Sơn thuộc huyện Kinh Môn, ở sườn nam núi Cúc Tiền, cũng lộ ra các lớp sạn kết, cát kết hạt thô, sáng màu nằm chỉnh hợp dưới các lớp đá vôi đen của hệ tầng Tràng Kênh chứa phong phú hoá thạch Lỗ tầng Stachyodes insignis Yav., S. singularis Yav. cho tuổi Givet muộn. Kiểu mặt cắt tương tự cũng gặp ở núi Phượng Hoàng, phía tây thị trấn Mỹ Đức (Tràng Kênh) và ở Dưỡng Động trong vùng Thuỷ Nguyên, thành phố Hải Phòng.

Trên các đảo ở vịnh Bái Tử Long thuộc tỉnh Quảng Ninh, hệ tầng Đồ Sơn lộ ra với những đặc điểm thạch học khá đặc trưng cho tướng cửa sông, ven biển. Trên đảo Quán Lạn, các lớp của hệ tầng trải dài trên 10 km, rộng 0,5- 2 km. Mặt cắt đầy đủ, tiêu biểu nhất có thể theo dõi được từ bờ tây, nơi có bến tàu khách, theo hướng đông nam đến bờ đông của đảo. Mặt cắt bắt đầu bằng tập cuội kết, sạn kết đa khoáng (Hình 1.4), với hạt cuội gồm thạch anh, đá phiến sét màu xám xanh, cát kết quarzit, kích thước không đều, đường kính 1-5 cm, và xi măng chủ yếu là bột và sét kết. Chuyển dần lên là cát kết phân lớp xiên, cát kết dạng quarzit sáng màu chứa oxit sắt màu đỏ nâu, xen kẽ với các lớp cuội kết, sạn kết và kết thúc bằng tập cuội kết có đường kính 3-5 cm lộ trên bãi tắm sinh thái ở bờ đông của đảo. Đá có thế nằm ổn định, cắm về T-TB (290o), góc dốc 35-40o. Bề dày toàn bộ của hệ tầng ở mặt cắt này > 350 m. Ranh giới dưới và trên bị chìm dưới mực nước biển.

 Trên đảo Ngọc Vừng, tại bờ phía đông, bắt gặp các lớp cuội kết, sạn kết dày 20 - 30 cm và các lớp cát kết phân lớp xiên đặc trưng cho trầm tích tướng sông suối và tam giác châu (Hình 5). Cho dù chưa được khảo sát đầy đủ, nhưng bề dày ước tính của tập cát kết này có thể tới trên 200 m và nó nằm không chỉnh hợp trên các lớp bột kết và đá phiến sét chứa hoá thạch Tay cuộn của hệ tầng Dưỡng Động.

Trên đảo Trà Bản (Hình 1.5), hệ tầng lộ ra tại làng Đồng Danh, cách trung tâm xã Bản Sen 1,5 km về phía nam. Mặt cắt gồm các lớp mỏng sạn kết, chuyển dần lên là cát kết dạng quarzit, phân lớp dày, màu xám sáng, phong hoá có màu vàng nâu, chứa phong phú hoá thạch cá cổ và thực vật Lepidodendropsis. Tại điểm lộ F.514 (x = 20o57’28” B; y = 107o29’26” Đ) đã thu thập được hoá thạch cá cổ Asterolepis cf. ornata Eichwald và thực vật Lepidodendropsis sp. cho tuổi D2gv. Hệ tầng cát kết này nằm trên các lớp đá phiến sét chứa thực vật Đevon sớm của hệ tầng Vạn Cảnh với quan hệ không rõ và nằm chỉnh hợp dưới đá vôi chứa hoá thạch Lỗ tầng Amphipora, tuổi D2gv-D3 thuộc hệ tầng Tràng Kênh. Bề dày chung của hệ tầng ở mặt cắt này quan sát được khoảng 200 m.

Quan hệ địa tầng và tuổi. Trước hết cần xác định tính hiệu lực của hệ tầng Đồ Sơn với thành phần như vừa mô tả trên đây. “Cát kết Đồ Sơn” (Grès de Do-Son) do Lantenois H. [8], Patte E. [14] và Saurin E. [17] mô tả chỉ bao gồm cát kết dạng quarzit xen những lớp mỏng sét vôi (?) dọc theo các bãi tắm Đồ Sơn. Như vậy, phân vị “Cát kết Đồ Sơn” hoàn toàn ứng với khối lượng của hệ tầng Đồ Sơn được mô tả trong bài báo này. Những khối lượng trầm tích khác như ở Ngọc Xuyên mà các tác giả khác coi thuộc hệ tầng Đồ Sơn [3, 4, 11, 22, 24] thực ra thuộc một thể địa tầng khác mà chúng tôi mô tả là hệ tầng Vạn Cảnh trong bài báo này.

Một vấn đề chưa được thống nhất giữa các nhà nghiên cứu, đó là vị trí địa tầng của các tập cuội, sạn, cát kết phân lớp xiên của hệ tầng Đồ Sơn. Trần Văn Trị và nnk. [24] cho rằng các trầm tích vụn thô, cát kết phân lớp xiên là đặc trưng cho thành hệ molas của giai đoạn tạo núi Caleđoni muộn xảy ra vào Đevon sớm. Như vậy, tập cuội kết, sạn kết lộ ra ở đảo Quán Lạn cũng như các lớp cát kết phân lớp xiên được coi là thuộc đáy của mặt cắt Đevon. Trên thực tế, trừ tập cuội kết, sạn kết, các lớp cát kết phân lớp xiên lộ ra trên đảo Quán Lạn không thấy được quan hệ dưới cũng như trên; còn ở những nơi khác trên bán đảo Đồ Sơn cũng như ở các đảo khác trên vịnh Bái Tử Long, tập trầm tích hạt thô này nằm trực tiếp trên các đá lục nguyên chứa hoá thạch Đevon sớm. Janvier P. và nnk. [7] cho rằng có bất chỉnh hợp địa tầng và đã quan sát được tại mỏ đá ở phía tây nam Đông Thôn (mỏ đá Nam Thôn), thị trấn Đồ Sơn. Bất chỉnh hợp địa tầng này được đánh dấu bằng lớp cuội kết, sạn kết cơ sở, nằm ngay trên mái của tập bột kết chứa Eurypterida, Tay cuộn (Lingula), cá cổ và thực vật thuỷ sinh có tuổi Silur muộn - Đevon sớm.

 Một vết lộ khác có trật tự địa tầng tương tự như ở mỏ đá Nam Thôn mới được chúng tôi phát hiện trên bờ tây nam của bán đảo Đồ Sơn (Vết lộ F.594, Hình 3). Tại đây đã bắt gặp lớp cuội kết (Hình 4) của hệ tầng Đồ Sơn nằm không chỉnh hợp trên bề mặt đá phiến sét bị nứt nẻ do khô hạn (Hình 5) của hệ tầng Vạn Cảnh.

 Có thể cho rằng các tập cuội, sạn và cát kết phân lớp xiên ở đảo Quán Lạn và các đảo khác trên vịnh Bái Tử Long cũng như trên đất liền, ở bán đảo Đồ Sơn, các vùng Kinh Môn và Thuỷ Nguyên, là các thành tạo sông, suối và tam giác châu hình thành trong cùng một thời gian, phủ không chỉnh hợp trên các trầm tích cổ hơn, mở đầu cho một chu kỳ trầm tích mới vào đầu Givet. Theo thành phần hoá thạch và đặc điểm trầm tích thì hệ tầng Đồ Sơn có vị trí địa tầng tương đương với các hệ tầng Tân Lập ở vùng Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn và hệ tầng Hải Cẩu chứa phức hệ hoá thạch cá cổ Bothriolepis ở Đông Vân Nam, Trung Quốc.

Hệ tầng Đồ Sơn nằm chỉnh hợp dưới hệ tầng Tràng Kênh. Quan hệ này có thể quan sát được trên các đảo Trà Bản, Vạn Cảnh, đảo Dài, Ngọc Vừng và ở các vùng Lỗ Sơn, Dưỡng Động, Tràng Kênh trên đất liền. Tại các vùng lộ này đều thấy đá vôi của hệ tầng Tràng Kênh chứa hoá thạch Lỗ tầng và San hô tuổi Givet muộn - Frasni nằm trên hệ tầng Đồ Sơn với thế nằm chỉnh hợp.

 Tuổi của hệ tầng Đồ Sơn là một trong những vấn đề được nhiều người quan tâm. Sau những phát hiện cá cổ Bothriolepis và thực vật Lepidodendropsis của Janvier P. [6] và Long J. [9] thì hầu hết các nhà nghiên cứu đều cho rằng hệ tầng Đồ Sơn có tuổi Givet - Đevon muộn [21] hoặc Đevon muộn - Carbon sớm? [10] chuyển tướng ngang với các trầm tích Đevon thượng - Carbon hạ của hệ tầng Phố Hàn. Trong hệ tầng Đồ Sơn bắt gặp phong phú di tích cá cổ, trong đó đáng lưu ý các đại biểu của Bothriolepis, Asterolepis là những dạng rất đặc trưng cho trầm tích Givet - Đevon muộn ở vùng Baltic của Châu Âu và Đông Vân Nam, Trung Quốc. Thực vật Lepidodendropsis thường gặp trong mức địa tầng Đevon trung, bậc Givet - Carbon hạ. Ở Việt Nam đã gặp các đại biểu này trong trầm tích Givet ở vùng Hói Đá, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình và trong hệ tầng Tân Lập (D2gv - D3fr tl) ở Mỏ Nhài, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn. Tại mặt cắt Đồng Danh trên đảo Trà Bản, hệ tầng Đồ Sơn chứa các phức hệ cá cổ và thực vật Lepidodendropsis nêu trên có vị trí địa tầng nằm sát dưới đá vôi chứa các phức hệ Lỗ tầng có tuổi Givet muộn - Frasni. Ngoài ra, các hoá thạch Chân rìu sưu tập trong tập 2 của hệ tầng gồm Schizodus (?) sp., Ptychopteria (Actinopteria) hunanensis, Goniopora sp. ở bán đảo Đồ Sơn cũng cho tuổi Givet. Dựa trên ý nghĩa địa tầng của các hóa thạch và quan hệ địa tầng với các trầm tích thuộc loạt Ngọc Vừng nằm dưới và hệ tầng Tràng Kênh nằm trên, mối tương quan không gian với các trầm tích có vị trí địa tầng tương đồng đã được biết ở miền Bắc Việt Nam và Đông Vân Nam, Trung Quốc, có thể coi hệ tầng Đồ Sơn có tuổi Givet, nhiều khả năng thuộc Givet sớm.

d. Hệ tầng Tràng Kênh (D2-3 tk)

Trước đây “tầng Tràng Kênh” hay “điệp Lỗ Sơn” đều được mô tả có tính chất tổng hợp từ nhiều mặt cắt khác nhau, do vậy các tập đá silic, đá vôi chứa các ổ silic lộ ra ở Pháp Cổ, Phi Liệt, Đò Đụn chứa Trùng lỗ Quasiendothyra tuổi Đevon muộn - Carbon sớm được coi thuộc phần giữa của hệ tầng Tràng Kênh. Trong khi đó, các phức hệ Lỗ tầng và San hô dẫn ra ở phần dưới và trên khá giống nhau, đều cho tuổi Givet. Tại các vùng nêu trên, trật tự địa tầng của các tập silic này như sau:

Tập 1. Đá silic dạng vi phiến, màu xám đen, phong hoá có màu xám vàng, ròn, vỡ mặt cát khai. Đá tạo thành các vi uốn nếp, uốn lượn mềm mại. Bề dày không quá 50 m. Không thấy được quan hệ dưới vì bị trầm tích Đệ tứ phủ lấp.

Tập 2. Đá vôi silic, đá vôi xen các dải silic mỏng và đá vôi chứa các ổ silic màu đen, rắn chắc. Quan sát dưới kính hiển vi thấy nhiều di tích sinh vật, nghi ngờ là Radiolaria? Dày 50 m.

Tập 3. Đá vôi màu xám đen, phân lớp dày chứa phong phú hoá thạch Huệ biển và Trùng lỗ. Bề dày trên 50 m.

Các tập kể trên nằm chỉnh hợp với nhau, phân bố thành dải, theo phương TB-ĐN, tạo nên những núi thấp từ làng Pháp Cổ qua Phi Liệt đến gần bến phà Đò Đụn (phà Lại Xuân) thuộc xã Lại Xuân, huyện Thuỷ Nguyên, Hải Phòng.

Nguyễn Văn Liêm [2] đã phát hiện hoá thạch Trùng lỗ thuộc phức hệ Quasiendothyra trong đá vôi ở Đò Đụn mà ông xếp vào hệ tầng Hạ Long, tương ứng với Turnais và có thể gồm cả lớp ranh giới giữa Đevon và Carbon.

Bên bờ bắc sông Kinh Thày, gần đỉnh Núi Han thuộc xã Lỗ Sơn, huyện Kinh Môn, cách núi Pháp Cổ 1,5 km về phía tây bắc cũng bắt gặp tập silic như vừa mô tả, nằm sát ngay trên tập đá vôi xám sáng, có cấu tạo dạng sọc dải chứa Răng nón Famen sớm Palmatolepis subrecta Mill. & Young, P. perlobata perlobata Ul. Bass. thuộc phần trên hệ tầng Tràng Kênh. Cũng tại mặt cắt này, trong tập đá vôi nằm trên đá vôi chứa các ổ silic, chúng tôi sưu tập được San hô Sinkiangopora và Trùng lỗ Palaeopropecta minima tuổi Carbon. Với những tài liệu vừa trình bày, nên coi các tập silic, đá vôi chứa các ổ silic lộ ra ở Pháp Cổ, Phi Liệt, Đò Đụn cũng như ở mặt cắt gần đỉnh Núi Han thuộc hệ tầng Phố Hàn, tuổi D3-C1.

 Việc lựa chọn mặt cắt chuẩn cho hệ tầng Tràng Kênh gặp khó khăn do các đá của hệ tầng lộ ra trong các địa hình bị phân cắt bởi đồng bằng và biển. Các mặt cắt đã nghiên cứu cả trên đất liền và trên biển cho thấy, hệ tầng Tràng Kênh chủ yếu gồm trầm tích carbonat tướng thềm. Ở phần chân của mặt cắt, có nơi xuất hiện đá vôi màu đen xen các lớp mỏng đá silic như ở mặt cắt Núi Thần (Lỗ Sơn) hoặc ở chân Núi Han, còn ở hầu hết các mặt cắt khác chúng bắt đầu bằng tập đá vôi màu đen, đá vôi xám sáng, phân lớp trung bình đến dày, chứa phong phú hoá thạch Lỗ tầng, San hô tuổi Givet muộn - Frasni; chuyển dần lên phía trên là đá vôi màu xám sáng, phân dải mỏng chứa Răng nón tuổi Famen sớm. Những mô tả cụ thể các mặt cắt của hệ tầng Tràng Kênh lộ trên đất liền cũng như trên biển đã được chúng tôi trình bày khá chi tiết trong một công bố gần đây [12]. Bề dày chung của hệ tầng là 200 - 250 m.

Quan hệ địa tầng và tuổi. Ranh giới dưới của hệ tầng Tràng Kênh thấy rõ ở phần lớn các mặt cắt kể cả trong đất liền và trên các đảo. Ở vùng Kinh Môn, tại mặt cắt sườn bắc núi Cúc Tiền (Hình 2.1) và ở vùng Tràng Kênh, tại mặt cắt phía tây nam thị trấn Minh Đức 1,2 km (Hình 2.2) bắt gặp các lớp đá vôi màu xám đen chứa phong phú hoá thạch Lỗ tầng và San hô vách đáy thuộc phức hệ Caliapora battersbyi nằm chỉnh hợp trên cát kết quarzit của hệ tầng Đồ Sơn. Trên các đảo ngoài vịnh Bái Tử Long, quang cảnh đá vôi của hệ tầng Tràng Kênh nằm trên cát kết của hệ tầng Đồ Sơn có thể quan sát được ở hầu hết các mặt cắt (Hình 1.1, 1.3, 1.5). Trên đảo Trà Bản, tại Đồng Danh, xã Bản Sen, hệ tầng tràng Kênh lộ ra ở đây gồm chủ yếu đá vôi màu xám đen, xám sáng, phân lớp trung bình đến dày, chứa phong phú hoá thạch Lỗ tầng thuộc các phức hệ Amphipora ramosa minorAmphipora laxeperforata nằm sát trên cát kết dạng quarzit chứa phức hệ cá cổ Bothriolepis và thực vật Lepidodendropsis của hệ Đồ Sơn. Ranh giới trên của hệ tầng Tràng Kênh với các trầm tích D3-C1 của các hệ tầng Con Voi và Phố Hàn thường là không rõ.

Tuổi Givet của hệ tầng Tràng Kênh đã được xác định dựa trên các phức hệ Lỗ tầng, San hô bốn tia, San hô vách đáy và Tay cuộn đã được dẫn ra trong nhiều công trình nghiên cứu [1-3, 12, 13, 15, 19]. Tuổi Frasni và Famen của phần trên hệ tầng đã được đề cập trong công bố gần đây của Nguyễn Hữu Hùng và nnk. [12]. Trên cơ sở nghiên cứu Lỗ tầng, San hô, Răng nón sưu tập ở nhiều mặt cắt của hệ tầng Tràng Kênh, các tác giả đã xác lập được các mức cổ sinh đặc trưng sau:

- Phức hệ Caliapora battersbyi: Givet muộn,

- Phức hệ Stachyodes costulata: Frasni sớm,

- Phức hệ Amphipora simplex: Frasni muộn,

- Đới Palmatolepis triangularis: Famen sớm.

III. KẾT LUẬN

Những tài liệu về địa tầng và cổ sinh mới được phát hiện trong những năm gần đây qua nhiều hành trình nghiên cứu trên biển cũng như trong đất liền đã làm sáng tỏ mối tương quan không gian và trật tự địa tầng của các trầm tích Đevon trong đới Quảng Ninh. Trong số các phân vị địa tầng đã được xác lập, những phân vị được coi có hiệu lực gồm các hệ tầng Dưỡng Động (D1-2 ), Đồ Sơn (D2gv đs) và Tràng Kênh (D2-3 tk). Đồng thời xác lập mới loạt Ngọc Vừng (D1-2 nv), hệ tầng Vạn Cảnh (D1 vc). Các trầm tích trước đây được mô tả thuộc hệ tầng Si Ka (D1 sk), hệ tầng Sông Cầu (D1 sc) ở đới Quảng Ninh nay được coi thuộc hệ tầng Vạn Cảnh. Hệ tầng Dưỡng Động (D1-2 ) hiện tại chỉ bao gồm các trầm tích chứa hoá thạch biển; các tập cuội kết, sạn kết, cát kết quarzit lộ ra ở phần trên của hệ tầng được coi thuộc hệ tầng Đồ Sơn. Hệ tầng Đồ Sơn là nơi đầu tiên phát hiện các hoá thạch cá cổ Bothriolepis và thực vật Lepidodendropsis đặc trưng cho trầm tích Givet ở đới Quảng Ninh. Hệ tầng Lỗ Sơn được coi là đồng nghĩa với hệ tầng Tràng Kênh (D2g-D3fm tk) với thành phần trầm tích gồm chủ yếu là đá vôi, tướng carbonat thềm và có vị trí địa tầng nằm trên hệ tầng Đồ Sơn.

Việc xác nhận có một gián đoạn địa tầng trong Đevon giữa thực sự có ý nghĩa, đánh dấu một chu kỳ hoạt động kiến tạo có tính khu vực, cho phép liên hệ được với các gián đoạn địa tầng vào cuối Eifel, đầu Givet ở Việt Bắc và Đông Vân Nam, Trung Quốc.

Các trầm tích Đevon hạ - Đevon trung của loạt Ngọc Vừng và hệ tầng Đồ Sơn chủ yếu gồm các đá vụn lục nguyên chứng tỏ các bồn trũng Đevon trong đới Quảng Ninh cách không xa các lục địa cổ. Theo Sinitsyn V. M. [18] vào thời kỳ này, ở phía đông của bờ biển Việt Nam hiện nay, tồn tại lục địa cổ Cathaysia, còn theo Pan & Dineley 1988, Yang et al. 1981, Lee 1991 và Jones et al 1997 [theo 7] tồn tại một vùng rộng lớn của các thành tạo molas Silur-Đevon ở bờ biển Đông Nam Trung Quốc, trải dài từ vùng Nam Kinh, qua biển Đông tới miền Trung Việt Nam.

Ghi chú: Các hình trích dẫn trong bài xem ở phần đã đăng trong TCĐC số 302/9-10/2007.

Lời cảm ơn

Các tác giả chân thành cảm ơn TS Đặng Trần Huyên, chủ nhiệm đề án "Địa tầng các trầm tích Phanerozoi ở Đông Bắc Bộ", các đồng nghiệp CN Nguyễn Đình Hữu, KS Trần Minh Khang cùng cộng tác trong quá trình khảo sát, thu thập tài liệu địa chất qua các hành trình trên biển cũng như trong đất liền.

Các tác giả xin được bày tỏ lời cảm ơn sâu sắc tới GS TSKH Tống Duy Thanh đã đọc và góp nhiều ý kiến quý báu cho bản thảo của bài báo.

VĂN LIỆU

1. Dương Xuân Hảo, Nguyễn Thơm, Nguyễn Đức Khoa, 1975. Tài liệu mới về sinh địa tầng các trầm tích Paleozoi trung (từ năm 1964 đến năm 1973). Tuyển tập CTNCĐT. Nxb Khoa học Kỹ thuật: 66-105, Hà Nội.

2. Dương Xuân Hảo (Chủ biên), 1980. Hoá thạch đặc trưng ở miền Bắc Việt Nam. Nxb Khoa học và Kỹ thuật, 600 tr, Hà Nội.

3. Đovjikov A.E. (Chủ biên), 1971. Địa chất miền Bắc Việt Nam - Bản thuyết minh cho Bản đồ địa chất miền Bắc Việt Nam. Nxb Khoa học Kỹ thuật, 584 tr, Hà Nội.

4. Janvier P., Bliesk A., Gerrienne P., Tong-Dzuy Thanh, 1987. Faune et flore de la Formation de Sika (Dévonien inférieur) à Do Son (Hai Phong, Viet Nam). Bull. Mus. Natn. Hist. Nat. 9C/3: 291-302. Paris.

5. Janvier P., Tong-Dzuy Thanh, 1988. The Silurian and Đevonian Vertebrates of Viet Nam: A review. J. Geology, B/11-12: 18-28. Hà Nội.

6. Janvier, P., Tong-Dzuy, T., Gerrienne, P. 1989. Les Placodermi, Arthropodes et Lycophytes des grès dévonien de Dô Son (Hai Phong, Việt Nam). Geobios, 22, 625-639.

7. Janvier P., Racheboeuf, Hung Nguyen Huu, Truơng Doan Nhat, 2003. Devonian fishes (Placodermi, Antiarcha) from Tra Ban Island (Bai Tu Long Bay, Quang Ninh Province, Vietnam) and the question of the age of the Do Son Formation. J. of Asian Earth Sciences, 21 : 795-801.

8. Lantenois H. 1907. Note sur la géologie de l’Indochine. Mém. de la Soc. Geol. de France, 4 : 1-56. Paris.

9. Long J.A., Burret C., Phạm Kim Ngan, Janvier P., 1990. A new bothriolepid antiarch (Pisces, Placodermi) from the Devonian of Dô Son peninsula, northern Viet Nam. Alcheringa, 14 : 181-194.

10. Ngô Quang Toàn 1994. Địa chất và khoáng sản thành phố Hải Phòng. Bản đồ ĐC, Sô đặc biệt chào mừng 35 năm chuyên ngành BĐĐC (1959-1994): 55-66. Liên đoàn BĐĐC, Hà Nội.

11. Nguyễn Công Lượng (Chủ biên), 2001. Địa chất và khoáng sản tờ Hạ Long - Móng Cái (F-48-XXX; F-48-XXIV) tỉ lệ 1:200.000. Cục Địa chất và Khoáng sản, Hà Nội.

12. Nguyễn Hữu Hùng, Tạ Hoà Phương, P. Janvier, 2004. Tài liệu mới về địa tầng Đevon ở vùng Duyên Hải Đông Bắc Bộ. Địa chất, A/281: 1-10, Hà Nội.

13. Nguyễn Quang Hạp, 1967. Các trầm tích vùng rìa đồng bằng miền trũng Hà Nội và dự đoán sự phát triển của chúng vào miền trũng. Địa chất, 69 – 70 : 9-21, Hà Nội.

14. Patte E. 1927. Etudes géologiques de l' Est du Tonkin. Bull. SGI, XVI/1: 314 p. Hanoi.

15. Phạm Văn Quang, 1971. Kiến tạo bể than Đông Bắc Bắc Bộ. Địa chất, 97 : 1-15, Hà Nội.

16. Saurin E. 1956. Lexiques stratigraphique international. Vol. III. Asie. Fasc. 6a. Indochine. CNRS. Paris.

17. Saurin E. 1958. Le Dévonien en Indochine: Stratigraphie et corrélation. Ann. Fac. Sci.: 193-221. Saigon.

18. Sinitsyn V. M., 1962. Cổ địa lý châu Á. Nxb. ANSSSR (tiếng Nga).

19. Tạ Hoà Phương, Nguyễn Văn Hoàn, Phạm Nguyên Phương, 2004. Hệ tầng Dưỡng Động trong mối tương quan không gian với các hệ tầng tuổi Paleozoi vùng Duyên Hải Đông Bắc Bắc Bộ. Tạp chí Khoa học ĐHQGHN, KHTN & CN, XX/4 : 61-67. Hà Nội.

20. Tống Duy Thanh (Chủ biên), 1986. Hệ Đevon ở Việt Nam. Nxb KH & KT, 141 tr, Hà Nội.

21. Tong-Dzuy Thanh, Cai Chong-yang, 1995. Đevonian flora of Viet Nam. J. Geology, B/5-6: 105-113, Hà Nội.

22. Tống Duy Thanh, Vũ Khúc (Đồng chủ biên), 2005. Các phân vị địa tầng Việt Nam. Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 506 tr, Hà Nội.

23. Trần Văn Trị, Nguyễn Đình Uy, 1975. Trầm tích Silur - Đevon ở rìa tây bắc vịnh Bắc Bộ và điều kiện thành tạo của chúng. Tt các công trình nghiên cứu về địa tầng, tr.55-65. NXBKHKT, Hà Nội.

24. Trần Văn Trị (Chủ biên), 1977. Địa chất Việt Nam, phần miền Bắc. Nxb KHKT, 356 tr, Hà Nội.

25. Vũ Khúc, Bùi Phú Mỹ (Đồng chủ biên), 1989. Địa chất Việt Nam. Tập I- Địa tầng. Tổng cục Mỏ và Địa chất. Hà Nội.