VĂN BẢN PHÁP LUẬT MỚI
CƠ QUAN BAN NGÀNH
LIÊN KẾT WEBSITE
THỐNG KÊ TRUY CẬP
Đang Online :
114
Tổng lượt :
7032193
Thông tin mới về điều tra khoáng sản ở nhóm tờ Krông Pa tỷ lệ 1:50.000

THÔNG TIN MỚI VỀ ĐIỀU TRA KHOÁNG SẢN
Ở NHÓM TỜ KRÔNG PA TỶ LỆ 1:50.000

ĐỖ NGỌC CHUÂN1, NGUYỄN HÙNG CƯỜNG1,
TRẦN NGỌC KHAI1,  BÙI ANH LÂN1, NGUYỄN VĂN TRANG2

1 Liên đoàn Bản đồ Địa chất Miền Nam; 2 Hội Địa chất TP Hồ Chí Minh.

Trong phạm vi nhóm tờ bản đồ Krông Pa tỷ lệ 1:50.000 vừa hoàn thành trong thời gian gần đây, đã phát hiện được hàng loạt vấn đề mới về địa tầng, magma và khoáng sản, trong đó khoáng sản có tiềm năng và triển vọng bao gồm: chì-kẽm,  vàng, các khoáng chất công nghiệp như felspat, kaolin, diatomit-trepel, fluorit-baryt và vật liệu xây dựng (VLXD). Cụ thể được tóm tắt như sau:

1. Chì-kẽm

1.1. Kiểu khoáng hóa chì-kẽm liên quan với các đá biến chất thay thế trao đổi nhiệt dịch đá phun trào thành phần felsic: Chì-kẽm liên quan với các biến chất thay thế trao đổi nhiệt dịch đá phun trào thành phần felsic phát hiện được ở vùng Chư Tong thuộc xã Chư Mố, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai, trong tờ Bản Phùn Ang (D-49-86-C).

Thân quặng là các đới đá biến đổi chứa quặng sulfur, trong đó chủ yếu là sulfur chì-kẽm. Quặng phát triển trong đới đá phun trào bị cà nát và biến đổi nhiệt dịch (thạch anh hóa, silic hóa, sericit hóa). Đới khoáng hóa rộng ~50 m, kéo dài phương á  kinh tuyến ~2 km. Chiều dày thân quặng 1,0-3,1 m, chiều dài: 250-300 m.

- Thành phần khoáng vật (TPKV) quặng gồm: galena, sphalerit, chalcopyrit và các khoáng vật thứ sinh của chúng: malachit, azurit, serussit, anglesit. Khoáng vật đi cùng có pyrit, fluorit, magnetit. Khoáng vật phi quặng là đá phun trào bị biến đổi.

- Hàm lượng quặng: Hàm lượng (Pb+Zn) trung bình trong các thân quặng đạt 5,4769-6,8511 %, tùy từng vị trí mà hàm lượng Pb hay Zn chiếm ưu thế. Ngoài ra, hàm lượng Cu, Cd, Bi, Ag khá cao, mẫu cao nhất: Cu = 0,1849%; Cd = 0,1153%; Bi = 0,1154%; Ag = 160 g/t. Ag đồng biến với Pb và Cd đồng biến với Zn.

- Nguồn gốc, kiểu thành hệ: Chì-kẽm Chư Tong có nguồn gốc nhiệt dịch, hình thành trong quá trình biến chất trao đổi thay thế giữa dung dịch nhiệt dịch với các đá phun trào hệ tầng Mang Yang (T2a my); thuộc kiểu thành hệ galena-sphalerit trong phun trào thành phần felsic, có liên quan nguồn gốc với đá xâm nhập phức hệ Vân Canh (γT2 vc).

- Tài nguyên dự báo cấp 334a+334b là 46.722 tấn Pb-Zn (trong đó cấp 334a là 11.902 tấn).

Mặc dù các đá phun trào thành phần felsic nêu trên chỉ là nguồn chứa, nhưng đây là tiền đề và dấu hiệu tốt cho việc tìm kiếm phát hiện các khoáng sản nội sinh trong các thành tạo núi lửa tương tự.

1.2. Kiểu khoáng chì-kẽm liên quan với biến đổi skarn đá metacarbonat: Chì-kẽm liên quan với biến đổi skarn phát hiện ở Ea Kra thuộc địa phận xã Ea Sô, huyện Ea Kar, tỉnh Đăk Lăk.

- Đặc điểm địa chất: Vây quanh thân quặng là đá phiến thạch anh-biotit, gneis biotit xen các vỉa đá hoa bị biến đổi skarn hóa thuộc mặt cắt phức hệ Khâm Đức (NP-e1 ). Xuyên cắt các đá phức hệ Khâm Đức là granit phức hệ Đèo Cả (γK2 đc).

- Đặc điểm thân quặng: Thân quặng dạng đới, nằm trong đá skarn, chiều dày 0,5 m, thế nằm 200Ð45o.

- Đặc điểm quặng: TPKV quặng gồm galena, sphalerit, chalcopyrit, pyrit, ít hơn có arsenopyrit, pyrrotin. Ngoài ra còn có sheelit: 0-21 g/t; molybdenit, magnetit.

- Hàm lượng quặng: Hàm lượng Pb, Zn khá cao (Pb+Zn: 17,4831 %). Đi cùng có Ag, Cd, Bi, Cu. Theo mẫu quang phổ định lượng gần đúng ta thấy ngoài Pb, Zn, Ag, Cd, Bi, Cu có hàm lượng cao còn có hàm lượng khá cao của các nguyên tố Sn, W, Mo, As.

- Nguồn gốc, kiểu thành hệ: Quặng chì-kẽm Ea Kra có nguồn gốc skarn, thuộc kiểu thành hệ galena-sphalerit trong skarn. Magma liên quan là phức hệ Đèo Cả (γK đc).

- Tài nguyên dự báo cấp 334b là: 2.907 tấn (Pb+Zn); 10,208 tấn Ag.

Tổng tài nguyên dự báo của (Pb+Zn) trên diện tích nhóm tờ ở cấp 334a+334b là 49.629 tấn (trong đó cấp 334a là 11.902 tấn (Pb+Zn) và 10,208 tấn Ag.

2. Vàng

Các kết quả điều tra chi tiết, kết quả trọng sa - kim lượng diện tích, đặc điểm cấu trúc địa chất cho thấy có 3 diện tích triển vọng về vàng là Ea Rsai, Chư Rbal và Ia Rsươm. Các diện tích này đều nằm trong đới sinh khoáng vàng kéo dài theo phương TB-ĐN từ Nam An Khê (thuộc nhóm tờ Kông Chrô ở phía bắc diện tích nhóm tờ) đến Cà Lúi, Sông Hinh… (nhóm tờ Tuy Hòa ở phía ĐN diện tích nhóm tờ).

Vàng có nguồn gốc nhiệt dịch, thuộc kiểu thành hệ vàng - thạch anh - sulfur với 2 kiểu khoáng: vàng - thạch anh - sulfur đa kim và vàng - thạch anh - pyrit. Trong đó kiểu vàng - thạch anh - sulfur đa kim phổ biến và có triển vọng hơn.

- Kiểu khoáng vàng - thạch anh - sulfur đa kim điển hình là các điểm Ea Rsai, tiểu khu Chư Rhưng (thuộc BHKS Chư Rbal) và Nam Ia Rsươm.

Kiểu khoáng vàng-thạch anh-pyrit điển hình là tiểu khu Chư Rbal (thuộc BHKS Chư Rbal). 

Các diện tích triển vọng là Ea Rsai, Chư Rbal và Nam Ia Rsươm, có tổng tài nguyên dự báo cấp 334a+334b là 3,426 tấn Au, trong đó cấp 334a là 0,958 tấn.

3. Fluorit, baryt

 Trong diện tích nhóm tờ đã phát hiện fluorit tại các khu vực Ea Thul, Hòn Cây Vung, TB thôn Gia Trụ và Ea Th.Trieng. Riêng baryt phát hiện tại Ea Thul là lần đầu tiên loại khoáng sản này được phát hiện ở miền Nam, tuy quy mô nhỏ nhưng đây là dấu hiệu để phát hiện các thân khoáng baryt khác và chì-kẽm đi cùng.

Fluorit, baryt thường phân bố trong trường magma xâm nhập phức hệ Vân Canh hoặc đá phun trào hệ tầng Mang Yang và liên quan với các hoạt động phá hủy kiến tạo đứt gãy phương á  kinh tuyến (330-350o).

- Đặc điểm các thân khoáng: Các thân khoáng dạng mạch, mạng mạch, ổ, chuỗi thấu kính lấp đầy khe nứt trong các đới đá cà nát, dập vỡ phát triển dọc theo các đới đứt gãy kiến tạo. Trên bình đồ, các đới khoáng hóa có dạng kéo dài theo phương á kinh tuyến hoặc TB-ĐN. Chiều dày thân khoáng fluorit: 0,5-2,2 m, kéo dài 200-350 m. Chiều dày thân khoáng baryt: 1-1,3 m, kéo dài 300-350 m. 

- Đặc điểm quặng: Fluorit có nhiều màu, đặc sít hoặc lẫn với thạch anh; baryt màu trắng đục, tinh thể dạng hạt hoặc tấm, tập hợp đặc sít hoặc lẫn với thạch anh. Hàm lượng quặng: fluorit phân bố không đều, hàm lượng CaF2 trung bình trong các thân khoáng là 54,34-69,43. Hàm lượng BaSO4 trung bình trong thân baryt là 61,13%.

- Nguồn gốc, kiểu thành hệ: Quặng fluorit, baryt vùng Ea Thul có nguồn gốc nhiệt dịch, thuộc kiểu thành hệ thạch anh-fluorit-baryt đi cùng với chì-kẽm. Quặng liên quan nguồn gốc với các thành tạo magma xâm nhập phức hệ Vân Canh. Điều này phù hợp với các điểm fluorit đã phát hiện tại các vùng Xuân Lãnh, tỉnh Phú Yên và làng O2, Vĩnh Sơn, tỉnh Bình Định thuộc diện tích lân cận nhóm tờ; chúng đều có quan hệ nguồn gốc với magma xâm nhập phức hệ Vân Canh.

- Tài nguyên dự báo cấp 334 là 103.595 tấn fluorit; 15.327 tấn baryt (trong đó cấp 334a là 43.523 tấn fluorit; 9.536 tấn baryt).

Nhìn chung, biểu hiện quặng fluorit trong vùng khá phong phú, các đới khoáng hóa duy trì trên chiều dài >1 km. Riêng baryt là khoáng sản lần đầu tiên phát hiện ở miền Nam, tuy quy mô nhỏ, nhưng đây là dấu hiệu để phát hiện các thân khoáng baryt khác và chì-kẽm đi cùng.

4. Felspat

Trong diện tích nhóm tờ, felspat được phát hiện ở Chư Hing, xã Ia Dreh, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai, trong tờ Buôn Dôn Thiơl (D-49-98-C) và phân bố chủ yếu ở 2 vùng sau:

- Tiểu khu TB Chư Hing: Có 14 thân khoáng felspat. Chúng có dạng mạch, ít hơn có dạng thấu kính; đường phương chủ yếu là TB-ĐN (thay đổi khoảng 290o-320o), thứ yếu có phương ĐB-TN.

- Tiểu khu ĐN Chư Hing: có 31 thân khoáng, phân bố trong đới quặng rộng ~1,7 km, kéo dài ~2,5 km theo phương 320o. Các thân khoáng kéo dài chủ yếu theo phương TB-ĐN, ít hơn có phương á  kinh tuyến và phương ĐB-TN.

- Đặc điểm quặng: Thành phần khoáng vật quặng chủ yếu là felspat và thạch anh, hầu như không lẫn khoáng vật màu. Tinh thể felspat phần lớn có màu trắng, ít hơn có màu hồng nhạt, thường có kích thước 3-7 cm, hiếm khi tới 15-20 cm.

- Thành phần hoá: Thành phần hóa của quặng khá đồng đều. Nếu tính chung cho toàn vùng (trung bình của 52 mẫu) thì hàm lượng Na2O+K2O là 8,81%; Fe2O3+FeO là 0,98%, trong đó, 48 mẫu có hàm lượng tổng sắt £1,50% (chiếm 94%); 42 mẫu có hàm lượng Na2O+K2O ³7,50% (chiếm 81%).

Felspat Chư Hing thuộc loại kali-natri, chất lượng quặng thuộc hạng trung bình. Ngoài ra, kết quả phân tích hóa cho granit sáng màu pha 2 phức hệ Hải Vân cho thấy về thành phần hóa học chúng có thể đáp ứng yêu cầu đối với dạng nguyên liệu thay thế quặng felspat (hàm lượng: SiO2 = 73,24%; Al2O3 = 14,33%; tổng Fe = 0,93%; K2O+Na2O = 7,43). Cường độ phóng xạ của quặng felspat ≤42 mR/h, nằm trong giới hạn cho phép khi sử dụng quặng vào mục đích dân sinh. 

- Nguồn gốc, kiểu thành hệ: Quặng felspat Chư Hing có nguồn gốc pegmatit, thuộc kiểu thành hệ felspat - thạch anh trong pegmatit, liên quan nguồn gốc với granitoid phức hệ Hải Vân.

- Tài nguyên dự báo cấp 334 là 9,141 triệu tấn quặng felspat (trong đó cấp 334a là 2,455 triệu tấn).

5. Sét kaolin

Sét kaolin trong nhóm tờ có nguồn gốc trầm tích nằm trong mặt cắt thuộc phần trên hệ tầng Sông Ba (N1 sb) phân bố dọc theo trũng Sông Ba. Thân sét kaolin dạng vỉa nằm ngang hoặc nghiêng thoải với góc dốc 10-25o. Thân kaolin thường nằm xen với các lớp sét kết và bị phủ dưới trầm tích Đệ tứ với chiều dày ≤9 m, chỉ lộ hạn chế ở các khe rãnh, mương xói. Sét kaolin trong diện tích nhóm tờ có quy mô lớn, qua khảo sát đã phát hiện được các biểu hiện khoáng sản sau: Ea Po, bắc cầu Lệ Bắc, Buôn Tu, Buôn Teng, Chư Đông 1, Buôn Chai, Buôn Hiên và Ia Rmor, trong đó điểm Buôn Tu và Chư Đông 1 đã được điều tra tài nguyên khoáng sản chi tiết cùng với sét diatomit-trepel trong vùng.

- Đặc điểm kaolin: TPKV của sét kaolin tổng hợp từ 10 mẫu roengen/DTA như sau (%): kaolinit = 35/35; illit = 17/17; montmorilonit = ít-15; chlorit £6; thạch anh = 33,92; felspat £10; goethit £4. Độ thu hồi kaolin ở cỡ hạt ≤0,1 mm đạt 60,00-99,80% (trung bình: 91,07%). Thành phần hóa của kaolin cỡ hạt £0,1 mm cho thấy phần lớn các mẫu đều đạt chỉ tiêu công nghiệp. Nếu không tính 2 mẫu có hàm lượng Fe2O3 vượt quá chỉ tiêu cho phép (KT12156/1, KT12/5) thì thành phần hoá trung bình của kaolin sẽ là (%): SiO2 = 64,63; Al2O3 = 22,42; Fe2O3 = 1,50; MKN = 7,18.

- Độ chịu lửa của sét kaolin tổng hợp từ 4 mẫu cho giá trị từ 1560 đến 1600oC.

Sét kaolin có thể xếp vào nhóm nguyên liệu sứ, gốm, sản xuất các vật liệu chịu lửa nửa axit (Al2O3+TiO2: 16,68-30,76%), có độ chịu lửa cao (1560-1600oC); hàm lượng TFe từ vừa đến thấp (1,53%, mẫu cao nhất tới 2,53%). Đặc biệt sét kaolin ở đây có độ thu hồi vào loại cao (thu hồi qua rây ≤0,1 mm là 92,13%). Kaolin có chất lượng trung bình.

- Tổng tài nguyên dự báo sét kaolin trong toàn diện tích nhòm tờ ở cấp 333+334 là 10,910 triệu tấn kaolin (trong đó cấp 333 là 1,360 triệu tấn).

6. Sét diatomit-trepel

Diatomit-trepel có nguồn gốc trầm tích, nằm trong phần trên mặt cắt hệ tầng Sông Ba (N1 sb) phân bố ở vùng Quỳnh Phú, Buôn Teng thuộc trũng Sông Ba, tờ bản đồ Phú Túc (D-49-98-A), thuộc xã Chư Rcăm, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai.

Thân khoáng dạng vỉa nằm nghiêng thoải với góc dốc 15-25o. So với sét kaolin và sét gạch ngói, sét diatomit-trepel nằm ở phần dưới. Sét diatomit-trepel chỉ lộ hạn chế ở các khe rãnh, mương xói với chiều dày lớp phủ £9 m.

- Đặc điểm diatomit-trepel: Diatomit-trepel Quỳnh Phú phân bố trong mặt cắt hệ tầng Sông Ba (N1 sb) với 2 thân khoáng:

+ Thân khoáng 1: Chiều dày 18,3-33 m, chiều dài 2.000 m, theo cấu trúc địa chất, dự đoán dài 3.700 m, thế nằm thay đổi từ 210-230Ð15-25o đến 130Ð20-25o.

+ Thân khoáng 2: nằm cách thân khoáng 1 khoảng 1 km về phía đông, gồm 2 vỉa nằm cách nhau ~20 m theo mặt cắt đứng với thế nằm: 220-250Ð15-25o.

* Vỉa 1 (K12234, K12251): chiều dày >25 m, chiều dài ³1000 m;

* Vỉa 2 (K12254): nằm dưới vỉa 1, chiều dày lộ ra từ 1,5 đến 3,0 m, chiều dài dự đoán £500 m.

- Đặc điểm thành phần và tính chất diatomit-trepel:

+ Thành phần khoáng vật của diatomit-trepel: theo mẫu lát mỏng khoáng vật sét, sericit, silic: 53-72%; Diatomea: ít đến 28-42; thạch anh: ít đến 3-12%; các khoáng vật oxyt sắt, biotit: ít. Theo mẫu nhiệt và roengen (%): thạch anh = 21-36; kaolinit = 25-30; illit = 10-18; chlorit = 5-7; monmorilonit = 5-20; felspat = 5-7; goethit = ít-7; hydromica = 0-13; hydrobiotit = 0-10; gibsit = 3-5; zeolit = ít.

+ Thành phần hóa của diatomit-trepel tổng hợp từ 29 mẫu, hàm lượng SiO2 = từ 51,54 đến 69,78% (trung bình: 58,70%). So sánh với các nơi khác ta thấy hàm lượng SiO2 của quặng diatomit-trepel Quỳnh Phú tương đương mỏ diatomit Thùy Dương - Hòa Lộc, Tuy Hòa (đã được thăm dò) và cao hơn diatomit Kon Tum.

+ Thể trọng của diatomit-trepel: ≥1, tỷ trọng dạng bột của 6 mẫu là 2,15-2,48 (trung bình 2,34); độ hút vôi tổng hợp từ 8 mẫu: 64,75-108,50 mg CaO/1g quặng.

- Nguồn gốc: sét diatomit-trepel có nguồn gốc trầm tích, thuộc kiểu thành hệ trầm tích hồ cảnh quan núi lửa.

Diatomit-trepel có quy mô lớn, hàm lượng SiO2 trung bình và độ hút vôi lớn hơn yêu cầu công nghiệp. Tài nguyên dự báo cấp 333+334a là 5,87 triệu tấn (trong đó cấp 333 là 2,482 triệu tấn).

7- Đá ốp lát, đá xây dựng, sét gạch ngói, cát cuội sỏi xây dựng

Đá ốp lát, đá xây dựng, sét gạch ngói, cát cuội sỏi xây dựng trong diện tích nhóm tờ phong phú về chủng loại, quy mô lớn. Tổng tài nguyên dự báo cấp 333+334: đá ốp lát (gabro, diorit, granit, đá hoa) = 211,07 triệu m3 (trong đó cấp 333: 4,02 triệu m3); đá xây dựng (xâm nhập, phun trào) = 832,380 triệu m3 (trong đó cấp 333: 668,38 triệu m3); cát cuội sỏi xây dựng = 17 triệu m3 (trong đó cấp 333: 9 triệu m3); sét gạch ngói = 16,052 triệu m3 (trong đó cấp 333: 3,293 triệu m3).

Tóm lại, những phát hiện mới nêu trên của đề án Krông Pa đã góp phần tích cực vào việc quy hoạch, khai thác và sử dụng tài nguyên khoáng sản của khu vực Tây Nguyên một cách hợp lý hơn. Đồng thời đã làm rõ hơn về tiền đề, dấu hiệu để tìm kiếm và phát hiện các khoáng sản tương tự trong vùng.

 

Ngày nhận bài:  14/8/2009

Người biên tập: GS.TS. Trần Văn Trị

(Tổng hội Địa chất Việt Nam).

Các tin khác