VĂN BẢN PHÁP LUẬT MỚI
CƠ QUAN BAN NGÀNH
LIÊN KẾT WEBSITE
THỐNG KÊ TRUY CẬP
Đang Online :
90
Tổng lượt :
6459821
Một số thông tin mới về hệ tầng Sông Ba qua kết quả đo vẽ bản đồ địa chất và điều tra khoáng sản tỷ lệ 1:50.000 nhóm tờ Krông Pa

MỘT SỐ THÔNG TIN MỚI VỀ HỆ TẦNG SÔNG BA QUA KẾT QUẢ ĐO VẼ
BẢN ĐỒ ĐỊA CHẤT VÀ ĐIỀU TRA KHOÁNG SẢN TỶ LỆ 1:50.000
NHÓM TỜ KRÔNG PA

TRẦN NGỌC KHAI, NGUYỄN HÙNG CƯỜNG, NGUYỄN HUY DŨNG

Liên đoàn Bản đồ Địa chất Miền Nam, TP Hồ Chí Minh.


Hệ tầng Sông Ba được nhiều công trình nghiên cứu, trong đó đáng kể nhất là các công trình sau.

Trong công trình Đo vẽ bản đồ địa chất 1:500.000 [6], hệ tầng Sông Ba được Trịnh Dánh (1984) xác lập trên cơ sở mô tả mặt cắt chuẩn dọc sông Ba từ cầu Lệ Bắc đến Phú Túc với thành phần gồm: cuội kết, sỏi kết chuyển lên cát kết, cát bột kết, sét kết chứa hóa thạch thực vật: Castanopis sp., Laurus sp.,  Dipterocarpus sp., Persea sp., ... theo tác giả trên, có tuổi Miocen muộn.

Trong công trình Đo vẽ bản đồ địa chất 1:200.000 [7] cũng đã xác nhận và thể hiện các trầm tích Neogen trong vùng nghiên cứu vào hệ tầng Sông Ba (N1 sb), với thành phần: cuội kết, sỏi kết, cát kết, than nâu chuyển lên cát kết xen bột kết, sét kết chứa nhiều di tích thực vật có tuổi Miocen.

Đến năm 1996, Lê Thị Nghinh và nnk. [4] đã mô tả mặt cắt hệ tầng Sông Ba ở trũng Cheo Reo và Phú Túc gồm 3 tập:

1) Hệ xen kẽ cuội tảng kết, cuội kết đa khoáng với các lớp mỏng cát sạn kết, cát kết arkos-grauwack màu xám sáng. Dày 100-200 m.

2) Sự xen kẽ dạng nhịp (10-20 nhịp) giữa cát sạn kết chứa các thấu kính cuội kết mỏng với cát kết, bột kết và sét kết màu xám sáng và xám lục nhạt xen kẽ, nhiều nơi gặp sét than và các vỉa than nâu mỏng. Dày 200-300 m.

- Hệ xen kẽ giữa cát kết, bột sét kết và sét kết phân lớp mỏng. Dày 40-60 m.

Kết quả nghiên cứu trầm tích Neogen của nhóm tờ Krông Pa cho thấy:

Trên phạm vi nhóm tờ, các thành tạo trầm tích Neogen phân bố chủ yếu ở  trũng Phú Túc và đồng bằng Buôn Dôn Thiơl. Thành phần gồm: cuội kết, cát kết, sét bột kết màu xám xanh, xám nâu loang lổ vàng, sét giàu tảo Diatomeae, sét diatomit-trepel, than nâu, sét kết tuf, cát bột kết tuf, sét kaolin, chứa các di tích thực vật: vết in lá cây, xác thực vật, bào tử phấn và tảo.

1. Đặc điểm địa chất -  thạch học

Mặt cắt tổng hợp của hệ tầng gồm có 2 phần như sau:

1.1. Phần dưới: Trầm tích thuộc phần dưới của hệ tầng gặp tại lỗ khoan LK1 (Enreca-1) ở Phú Cần (tọa độ VN2000: 145,87,99-24,81,53), ở độ sâu 215-480 m [3]. Mặt cắt gồm 3 tập với các đặc điểm sau (từ dưới lên):

- Tập 1 (từ 412 đến 480 m): Cuội kết đa khoáng, chuyển lên các lớp cát kết thạch anh, sét kết, bột kết màu xám xanh, xám trắng, xám vàng xen kẽ nhau, chứa vật chất hữu cơ hóa than (20-30%). Lớp cuội kết phủ bất chỉnh hợp trên granit biotit-hornblend của phức hệ Định Quán. Dày 68 m.

- Tập 2 (từ 282 đến 412 m): Bột kết, sét kết màu xám nâu, xám xanh, xám trắng, xám đen xen các lớp mỏng cát kết, dăm kết màu xám trắng, xám xanh và các vỉa than nâu (dày 0,1-2 m) hoặc vật chất hữu cơ hóa than. Dày 130 m.

- Tập 3 (từ 215 đến 282 m): Cát kết màu xám xanh, xám trắng xen kẽ bột kết, sét kết màu xám xanh, xám nâu, phân lớp dày, cắm dốc 10-15o. Dày 67 m.

1.2. Phần trên: Trầm tích thuộc phần trên của hệ tầng gặp trong các thung lũng xâm thực và các lỗ khoan ở trũng Phú Túc, đồng bằng Buôn Dôn Thiơl, gồm 2 tập với đặc điểm sau (từ dưới lên):

+ Tập 1:  gồm 3 hệ lớp:

- Hệ lớp 1: Chủ yếu gặp tại các lỗ khoan LK1 (186-215 m), KT13 (53,2-55,7 m) và mặt cắt chi tiết ở Buôn Tu. Thành phần gồm: cuội kết, sạn kết chuyển lên cát kết xen cuội kết hạt nhỏ màu xám trắng. Chiều dày thay đổi từ 2 đến 28 m.

- Hệ lớp 2: Chủ yếu gặp tại các lỗ khoan KT12, KT13, KT15, LK1 và mặt cắt ở Buôn Tu. Thành phần gồm: sét kết màu nâu giàu Diatomeae, sét diatomit-trepel, bột kết màu xám xanh, xanh đen hoặc nâu đen xen các vỉa than nâu dày 0,4-2,6m (LK1, KT13, K12234), đôi chỗ có xen các lớp cát sạn kết. Các lớp sét kết chứa nhiều Bào tử phấn hoa: Quercus sinensis, Qu. mongolica, Qu. rotundus, Qu. gracilis, Lygodium sp., Lycopodium sp., Castanea sp., Castanopsis sp., Carya sp., Anuliopsis sp., Taxodium sp., Liquidambar sp., Salix sp., Hammamelis sp., Poaceae sp., Ginkgo sp.,   Magnolia sp., Michelia sp., Nuphar sp., Cystopteris sp. và Tảo nước ngọt, có khoảng tuổi Neogen, trong đó có vài mẫu được xác định tuổi Miocen (theo Trần Hữu Dần, 2008). Chiều dày của hệ lớp thay đổi từ 20 đến 46 m.

- Hệ lớp 3: Cát sạn kết màu xám tro, xám xanh xen các lớp cát bột kết tuf, sét bột kết tuf, chứa Bào tử phấn hoa: Cystopteris sp., Duvalia sp.,  Leptochilus sp., Schizaea sp., Alnus sp. và Carya aquatica thuộc môi trường nước ngọt có tuổi Miocen? (theo Trần Hữu Dần, 2008). Chiều dày thay đổi từ 9 đến 18 m.

+ Tập 2: Gặp tại các mặt cắt Buôn Hiang, Buôn Hiên, Buôn Tu, KT12, KT13, LK1,…gồm: cuội kết, cát sạn kết, cát kết, bột kết màu nâu vàng, sét bột kaolin, sét kết xám xanh, xám nâu, loang lổ tạo dạng nhịp từ hạt thô đến mịn (10 nhịp), đôi nơi có xen kẹp lớp sét than nâu đen, chứa nhiều vụn thực vật, vết in lá cây thuộc phức hệ sinh thái rừng ẩm cận nhiệt đới có khoảng tuổi Neogen: Persea sp., P. indica (Pliocen), Laurus sp., Ficus sp. (Neogen), Salix elongata, Quercus lobbii, Ficus beauveriei, Diospyros brachysepala (Miocen muộn) (theo Trịnh Dánh và Trần Hữu Dần) cùng các dạng Bào tử phấn hoa: Qu. sinensis, Qu. mongolica, Quercus rotundus, Castonopsis sp.,  Polypodiaceae, Lygodium sp. và khá nhiều Tảo Dinoflagellata, ít Tảo thuộc môi trường lục địa có tuổi Neogen (theo Trần Hữu Dần, 2008). Chiều dày thay đổi từ 80 đến 240 m.

2. Đặc điểm biến dạng của trầm tích

Các đá của hệ tầng phân bố kéo dài theo phương TB-ĐN trong địa hào Đệ tam Sông Ba [8] phân lớp nghiêng thoải, cắm chủ yếu về hướng TN, thế nằm thay đổi 180-300Ð10-250, nhưng chủ yếu trong khoảng 200-230Ð10-250. Một vài nơi gặp đứt gãy cắt qua hệ tầng với mặt trượt cắm về hướng TB: 310Ð800 với cự ly dịch chuyển 0,7 m, hoặc hướng đông 90Ð500; 100-120Ð10-150.

3.  Khoáng sản liên quan

Gồm sét kaolin, sét giàu Diatomeae, sét diatomit-trepel, sét gạch ngói, than nâu. Ngoài ra, theo kết quả phân tích nhiệt, roengen (KT12/8, KT12/9, KT12/14, KT13/32-33) trong các lớp sét giàu Diatomeae, sét diatomit-trepel có mặt khoáng zeolit (heilandit, orionit), tuy với hàm lượng thấp (< 3%) nhưng là dấu hiệu rất đáng quan tâm để điều tra khoáng zeolit có nguồn gốc trầm tích.

4- Quan hệ địa tầng và cơ sở định tuổi      

Hệ tầng Sông Ba phủ không chỉnh hợp lên đá gốc Mesozoi thuộc phức hệ Vân Canh, hệ tầng Mang Yang và granit thuộc phức hệ Định Quán. Về phía trên, bị các trầm tích Đệ tứ và bazan hệ tầng Xuân Lộc (Q12 xl) phủ trực tiếp lên. Trong phần trên của hệ tầng có nhiều vết in lá cây có tuổi từ Miocen đến Pliocen: Persea sp. (Neogen), Persea indica (Pliocen), Laurus sp., Ficus sp. (Neogen), Salix elongata, Quercus lobbii, Ficus beauveriei,  Diospyros brachysepala (Miocen muộn) và các dạng Bào tử phấn hoa đặc trưng cho môi trường lục địa có khoảng tuổi Neogen. Từ những cơ sở tài liệu thực tế và nhận định trên, các trầm tích Neogen ở nhóm tờ Krông Pa được xếp vào hệ tầng Sông Ba có tuổi Miocen (N1 sb).

Hệ tầng được phân chia theo chiều sâu dựa vào lỗ khoan LK1 (Enreca-1) ở Phú Cần (tọa độ VN2000: 145,87,99-24,81,53), ở độ sâu 215-480 m [3]. Đồng thời trong quá trình thi công đề án, đã xác định là trong thành phần mặt cắt của hệ tầng có mặt các vỉa diatomit-trepel, kaolin, tro tuf núi lửa; đây là sự khác biệt so với các tài liệu trước.

Các kết quả nêu trên đã góp phần khẳng định thêm về thành phần vật chất của hệ tầng Sông Ba là khá đa dạng và phân chia có cơ sở hơn theo chiều sâu. Đồng thời làm rõ hơn về tiền đề, dấu hiệu để tìm kiếm phát hiện các khoáng sản tương tự trong vùng. Điều cần lưu ý trong trũng Neogen Sông Ba có liên quan với các đá sinh và đá chứa dầu khí ở thềm lục địa miền Trung Việt Nam (?) cần làm sáng tỏ thêm [3].

VĂN LIỆU

1. Đỗ Văn Lĩnh, Trần Ngọc Khai, 2005. Tính chất và cơ chế hoạt động của đới đứt gãy Sông Ba (đoạn từ Cheo Reo đến Phú Túc) trong Cenozoi. Tuyển tập BC HNKH &CN lần thứ 9.  ĐHBK TP Hồ Chí Minh, trg 48-57.

2. Đỗ Văn Lĩnh, 2007. Đặc điểm cấu trúc và hoạt động của phân đoạn A Yun Pa - Phú Túc thuộc đới đứt gãy Sông Ba. TC Các khoa học về TĐ, Hà Nội.

3. Lê Văn Hiền, H.I. Petersen, L.H. Nielsen, 2005. Kết quả nghiên cứu địa hóa giếng khoan Enreca-1 ở trũng Sông Ba: Một bằng chứng của đá mẹ sinh dầu tuổi Miocen và ý nghĩa của nó đối với các bể trầm tích ở Việt Nam. Tuyển tập BC HNKH-CN 30 năm Dầu khí VN, 1 : 380-386. Nxb KH&KT, Hà Nội.

4. Lê Thị Nghinh, Đào Thị Miên, Phan Đông Pha, 1996. Đặc điểm trầm tích Kainozoi đới đứt gãy Sông Ba. Địa chất Tài nguyên, 1 : 247-251, Nxb KH&KT, Hà Nội.

5. Nguyễn Xuân Bao (Chủ biên), 2000. Kiến tạo và sinh khoáng Nam Việt Nam. Lưu trữ Địa chất, Hà Nội.

6. Trần Đức Lương, Nguyễn Xuân Bao, 1983. Bản đồ địa chất Việt Nam tỷ lệ 1:500.000. Tổng cục Mỏ - Địa chất. Hà Nội.

7. Trần Tính (Chủ biên), 1994. Báo cáo Kết quả đo vẽ địa chất và tìm kiếm khoáng sản nhóm tờ Kon Tum - Buôn Ma Thuột tỷ lệ 1:200.000. Lưu trữ Địa chất, Hà Nội.

8. Trần Văn Trị, Nguyễn Đình Uy, Hoàng Hữu Quý, Lâm Thanh, 1985. Kiến tạo Tây Nguyên và các vùng lân cận. Tuyển tập BC HNKH-KT Địa chất VN lần 2, 2 : 170-184. Hà Nội.

 

Ngày nhận bài: 14/8/2009

Người biên tập: GS.TS Trần Văn Trị

(Tổng hội Địa chất Việt Nam).

Các tin khác