VĂN BẢN PHÁP LUẬT MỚI
CƠ QUAN BAN NGÀNH
LIÊN KẾT WEBSITE
THỐNG KÊ TRUY CẬP
Đang Online :
88
Tổng lượt :
6454876
Hội nghị quan chức cấp cao ASEAN về khoáng sản (ASOMM) lần thứ 14, ASOMM+3 lần thứ 7 và hội đàm song phương Việt Nam-Campuchea về địa chất khoáng sản

HỘI NGHỊ QUAN CHỨC CẤP CAO ASEAN VỀ KHOÁNG SẢN (ASOMM) LẦN THỨ 14, ASOMM+3 LẦN THỨ 7 VÀ HỘI ĐÀM SONG PHƯƠNG VIỆT NAM-CAMPUCHEA VỀ ĐỊA CHẤT KHOÁNG SẢN


- Nỗ lực hoàn thành triển khai Kế hoạch Hành động Hợp tác ASEAN về Khoáng sản (AMCAP) giai đoạn 2011-2015

- Tích cực chủ động xây dựng AMCAP 2016-2020 để có thể thông qua tại AMMin 5, 2015 tại CHDCND Lào.

- Tăng cường hợp tác song phương Việt Nam-Campuchea trong địa chất và khoáng sản.

Đó là những nội dung quan trọng nhất của Hội nghị quan chức cấp cao ASEAN về Khoáng sản lần thứ 14 (ASOMM 14) và Hội nghị quan chức cấp cao ASEAN về Khoáng sản với 3 nước đối thoại lần thứ 7 (ASOMM+3 7) vừa diễn ra từ ngày 21-23 tháng 10 năm 2014 tại Siem Reap, Campuchea.

            Bên lề ASOMM 14, theo đề nghị của Việt Nam và được Campuchea hưởng ứng, Hội đàm song phương Việt Nam-Campuchea về hợp tác trong lĩnh vực địa chất khoáng sản đã được tổ chức thành công.

I. ASOMM lần thứ 14 và ASOMM+3 lần thứ 7

            Tham dự các Hội nghị có các đoàn đại biểu của các nước ASEAN bao gồm: Brunei Darussalam, Cambodia, Indonesia, Lao PDR, Malaysia, Singapore, Thailand, Vietnam và Ban Thư ký ASEAN.

            Đoàn đai biểu Việt Nam do TS. Bùi Vĩnh Kiên, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam làm trưởng đoàn cùng với 5 cán bộ lãnh đạo và chuyên viên các đơn vị thuộc Tổng cục và 2 chuyên viên Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ Công thương.


Quốc vụ khanh Bộ Mỏ và Năng lượng Campuchea Sok Khavann và các
 Trưởng đoàn ASOMM

             Nghi lễ khai mạc đã được diễn ra trọng thể với sự có mặt và lời phát biểu chào mừng của Ngài Sok Khavann, Quốc vụ khanh Bộ Mỏ và Năng lượng Campuchea, cảm ơn và chào đón các đại biểu các nước ASEAN đến tham dự ASOMM 14 tại thành phố cổ Siem Reap và chúc cho sự thành công của các Hội nghị lần này.


Các đại biểu tham dự ASOMM 14

            Ngay sau nghi lễ khai mạc, ASOMM 14 đã bắt đầu làm việc với diễn văn của Trưởng đoàn Indonesia với tư cách Chủ tịch mãn nhiệm của ASOMM 13.  TS Yos Mony Rath, Trưởng đoàn Campuchea và TS. Simone Phichith, Trưởng đoàn Lào đã được bầu lên chủ trì Hội nghị với tư cách là Chủ tịch và Phó Chủ tịch.

            Hội nghị đã nghe 4 báo cáo của 4 nhóm công tác ASOMM lần thứ 11 (WGTIM 11, WGSMD 11, WGCBM 11 và WGMID 11) tổ chức vào 26-28 tháng 8 năm 2014 tại Siem Reap, Campuchea cùng với việc cập nhật các hoạt động từ thời điểm đó đến nay. Hội nghị đã chất vấn, thảo luận và thông qua các báo cáo đó.

            Hội nghị cũng nghe thông báo kết quả đóng góp cho Quỹ Ủy thác Khoáng sản ASEAN (AMTF), thảo luận và thông qua dự thảo Quy tắc và Thủ tục sử dụng AMTF trình AMMin 5 thông qua vào 2015, tại CHDCND Lào.


Đoàn đại biểu Việt Nam tại ASOMM 14

Tại chương trình nghị sự bàn về việc xây dựng Kế hoạch Hành động Hợp tác ASEAN về Khoáng sản (AMCAP) giai đoạn 2016-2020, Trưởng đoàn Việt Nam, TS Bùi Vĩnh Kiên đã có bài phát biểu quan trọng nhắc lại vinh dự của Việt Nam là nước chủ nhà của AMMin 3, năm 2011 tại Hà Nội mà tại đó các Bộ trưởng ASEAN đã thông qua AMCAP 2011-2015 dựa trên cơ sở chuẩn bị kỹ càng của ASOMM 11 và các nhóm công tác ASOMM lần thứ 8. Đánh giá sơ bộ kết quả triển khai AMCAP này đến thời điểm hiện tại trong đó nhấn mạnh đến các hoạt động hiệu quả của Việt Nam đóng góp cho AMCAP 2011-2015. Kỳ vọng của Việt Nam vào AMCAP 2016-2020 bao gồm kế thừa kết quả của AMCAP 2011-2015; có đầy đủ nội dung như AMCAP 2011-2015; tăng cường sự có mặt của khối doanh nghiệp khoáng sản và khối tư nhân trong các hoạt động hợp tác; thích ứng với hoàn cảnh mới trong Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) từ sau 2015. Cam kết của Việt Nam sẽ đóng góp  tích cực trong giai đoạn tới.           

            Hội nghị thể hiện sự quyết tâm hoàn thành dự thảo AMCAP 2016-2020 sẵn sàng để các Bộ trưởng xem xét và thông qua tại AMMin 5, 2015 tại Lào.

            Hội nghị ASOMM+3 lần thứ 7 được tổ chức vào ngày 22 tháng 10 năm 2014, các đoàn đại biểu ASEAN và 3 đoàn đại biểu của Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc cùng với Ban Thư ký ASEAN tham dự Hội nghị. Trưởng đoàn nước chủ nhà Cămpuchea và 3 trưởng đoàn Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc là đồng chủ tịch của Hội nghị.

            Sau diễn văn khai mạc của các đồng chủ tịch, Hội nghị đã nghe các báo cáo của các nước đối thoại về các giải pháp/dự án mà các nước đó hỗ trợ các nước ASEAN trong năm 2013-2014, kế hoạch cho năm 2015.

            Hội nghị ghi nhận và đánh giá cáo sự hỗ trợ của các nước đối thoại, đặc biệt là Trung Quốc và Nhật Bản, cho các nước ASEAN đồng thời mong muốn các nước đối thoại tăng cường hơn nữa sự hỗ trợ đó trong giai đoạn tới.

II. Hội đàm song phương Việt Nam-Campuchea về hợp tác địa chất và khoáng sản.

            Bên lề ASOMM 14, đã diễn ra cuộc họp song phương Việt Nam-Campuchia. Đoàn Việt Nam do TS. Bùi Vĩnh Kiên, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường, làm trưởng đoàn và đoàn Campuchia do TS. Yos Mony Rath, Tổng cục trưởng Tổng cục Khoáng sản, Bộ Mỏ và Năng lượng, làm trưởng đoàn.


TS. Bùi Vĩnh Kiên trao tặng TS. Yos Mony Rath tư liệu quý tại Hội đàm song phương
 Việt Nam-Campuchea

Hai bên đã nhắc lại các kết quả hợp tác trước đây giữa hai nước về địa chất khoáng sản, tham khảo Bản ghi nhớ (MOU) 2004 và thảo luận về các hoạt động hợp tác có thể trong thời gian tới về địa chất và khoáng sản và nhất trí ký kết Biên bản cuộc họp song phương (MOM) để trình các Bộ trưởng Bộ Mỏ và Năng lượng Campuchea và Bộ trưởng  Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam xem xét quyết định với các nội dung sau:

1. Khởi động lại đề xuất hợp tác “Điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản tỉ lệ 1: 250.000 tại một khu vực biên giới Campuchia-Việt Nam” để thành lập bản đồ địa chất và tài nguyên khoáng sản và xây dựng năng lực địa chất khoáng sản. Khu vực khảo sát cụ thể sẽ do Tổng cục Khoáng sản Campuchea (GDMR) đề xuất.

2. Tăng cường hoạt động hợp tác giữa hai tổng cục về trao đổi kinh nghiệm ở các lĩnh vực,  nhưng không giới hạn, về thông tin và tư liệu địa chất và khoáng sản, phân tích thí nghiệm, bảo tàng/mẫu vật địa chất và đào tạo.

3. Hai bên sẽ trình lên các Bộ trưởng kế hoạch mời bên kia đến thăm và làm việc tại quốc gia mình để thảo luận sâu hơn về các nội dung đề xuất.

4. Hai bên đồng ý chỉ định đầu mối liên hệ và thành lập các nhóm công tác để thiết lập phạm vi hợp tác và xác định khu vực điều tra để đưa vào Biên bản ghi nhớ mới (MOU) chuẩn bị sẵn sàng cho việc ký kết giữa hai nước.

Các tin khác