ỨNG DỤNG PHÂN TÍCH ĐỊA HÌNH TRÊN MÔ HÌNH LẬP THỂ SỐ

KẾT HỢP GIẢI ĐOÁN ẢNH VIỄN THÁM ĐỘ PHÂN GIẢI CAO

ĐỂ THÀNH LẬP BẢN ĐỒ HIỆN TRẠNG TRƯỢT LỞ ĐẤT ĐÁ

Nguyễn Hoàng Ninh1*, Phạm Văn Sơn1, Nguyễn Thị Hải Vân1, Nguyễn Đức Hà1,

Nguyễn Thị Huyền1, Nguyễn Quốc Khánh1, Nguyễn Thị Liên1, Trần Văn Trọng1, Nguyễn Viết Tuân1, Nguyễn Huy Dương1

1Trung tâm Viễn thám và Tai biến Địa chất, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản

* Tác giả liên hệ: ninh.dcks@gmail.com

Tóm tắt: Trong những năm gần đây, sự tiến bộ về kỹ thuật đo vẽ địa hình và công nghệ bay chụp ảnh viễn thám đã tạo nên sự đa dạng của nhiều loại tư liệu địa hình số và ảnh vệ tinh. Sự phát triển của các công nghệ xử lý dữ liệu và ảnh số đã giúp việc khai thác các nguồn tư liệu nói trên dễ dàng hơn, đặc biệt hiệu quả khi phục vụ các hoạt động điều tra, nghiên cứu tai biến địa chất, trong đó có tai biến trượt lở đất đá. Trong bài báo này, các tác giả sẽ trình bày kết quả nghiên cứu ứng dụng phân tích địa hình trên mô hình lập thể số kết hợp giải đoán ảnh viễn thám độ phân giải cao để thành lập bản đồ hiện trạng trượt lở đất đá. Nghiên cứu được áp dụng thử nghiệm tại khu vực xã Tam Chung, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa. Trên cơ sở kết hợp việc phân tích bề mặt địa hình nổi tạo ra từ DEM có độ phân giải 5x5 m, với việc phân tích các ảnh vệ tinh được tham khảo miễn phí từ Google Earth, các tác giả đã xác định được 4 khối trượt cổ từ phân tích bề mặt địa hình nổi và 222 khối trượt mới từ giải đoán các cảnh ảnh Google Earth. Công tác khảo sát thực địa đã tiếp cận được 97 khối để kiểm chứng kết quả giải đoán (chiếm 42,92% tổng số lượng khối trượt giải đoán) và đã xác nhận được 94/97 khối đã xảy ra trượt lở đất đá. Như vậy, tỷ lệ giải đoán chính xác đạt tới ~96,91%, chứng tỏ việc ứng dụng phương pháp có hiệu quả cao trong việc nhận dạng các khối trượt. Tuy vẫn còn một số tồn tại do phụ thuộc vào nguồn tư liệu sẵn có, kết quả của nghiên cứu cho thấy những thế mạnh của phương pháp khi được ứng dụng tại những khu vực điều tra có đủ nguồn tư liệu địa hình và viễn thám theo yêu cầu. Phương pháp này có thể tiếp tục được phát triển thêm nhằm giám sát sự biến đổi của bề mặt địa hình theo thời gian, phục vụ hiệu quả hơn cho công tác lập các bản đồ hiện trạng trượt lở đất đá ở tỷ lệ lớn.

Từ khóa: viễn thám, giải đoán ảnh, phân tích mô hình lập thể số, thành lập bản đồ hiện trạng trượt lở đất đá

(Xem toàn văn: Liên hệ với Tạp chí Địa Chất – Trung tâm Thông tin, Lưu trữ và Tạp chí địa chất)