PHÁT HIỆN MỚI VỀ TUỔI CỦA CÁC HỆ THỐNG ĐỨT GÃY TRẺ
KHU VỰC TRUNG LƯU SÔNG THU BỒN: BẰNG CHỨNG VỀ
HOẠT ĐỘNG KIẾN TẠO TRONG PLEISTOCEN MUỘN HOLOCEN

Nguyễn Quốc Hưng, Vũ Anh Đạo, Ngô Xuân Thành*,
Trần Thanh Hải, Đặng Văn Bát

Trường Đại học Mỏ - Địa chất

Tác giả liên hệ: ngothanh1976@gmail.com

Tóm tắt: Lưu vực dòng chính của hệ thống sông Thu Bồn chảy qua các huyện Nam Trà Mi, Bắc Trà Mi, Hiệp Đức, Nông Sơn, Duy Xuyên, Điện Bàn, Hội An và đổ ra biển tại Cửa Đại. Sông Thu Bồn có hình thái dòng chảy phức tạp, nhiều đoạn bị biến dạng lòng sông và đổi dòng bất thường gây sạt lở bờ, bồi tụ lòng sông, lụt và hạn hán. Sự thay đổi hình thái và các hiện tượng tai biến nói trên có nguồn gốc phức tạp trong đó các hoạt động địa chất nội sinh như sự dịch chuyển kiến tạo và hoạt động của các đứt gãy trẻ đóng vai trò quan trọng. Kết quả nghiên cứu thực địa đã nhận dạng được hàng loạt hệ thống đứt gãy trẻ tồn tại trong khu vực nghiên cứu, trong đó có nhiều hệ thống lớn, kéo dài hàng chục kilomet qua toàn bộ vùng nghiên cứu. Phân tích đặc điểm động học cho thấy có 4 hệ thống đứt gãy trong khu vực có thể là bộ phận của hệ thống trượt bằng phải kiểu Riedel có quy mô khu vực. Ba mẫu mùn kiến tạo tồn tại trong các đứt gãy cắt qua khu vực trung lưu sông Thu Bồn được thu thập để xác định tuổi đứt gãy bằng kỹ thuật Electron Spin Resonance cho tuổi là 10.282 năm, 15.409 năm và 17.689 năm. Các kết quả này cho thấy chuyển động của các đứt gãy trong khu vực trung lưu sông Thu Bồn diễn ra nhiều pha trong thời kỳ Pleistocen muộn - Holocen, trong đó biểu hiện hoạt động dịch chuyển mạnh trong Holocen được minh chứng qua các số liệu định lượng của mẫu nghiên cứu.

Từ khóa: Quảng Nam, sông Thu Bồn, phương pháp ERS, đứt gãy hoạt động

 

(Xem toàn văn: Liên hệ với Tạp chí Địa Chất – Trung tâm Thông tin, Lưu trữ và Tạp chí địa chất)